• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:29:42 CH - Mở cửa
Khu Kinh tế cửa khẩu- Bức tranh 30 năm và hướng đi nào cho giai đoạn mới? Kỳ cuối : Tầm nhìn và sự ưu tiên
Nguồn tin: Báo Hải quan | 20/09/2022 10:15:00 CH
 Những năm 90 của thế kỷ trước, với chủ trương mở cửa, hội nhập nền kinh tế thế giới của Đảng và Nhà nước, mô hình Khu kinh tế cửa khẩu (Khu KTCK) ở Việt Nam ra đời. Tổng kết sau gần 30 năm hoạt động, 26 Khu KTCK trên cả nước đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh miền núi, biên giới, góp phần thay đổi diện mạo một vùng kinh tế cũng như nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay một câu hỏi được đặt ra là hướng đi nào cho các khu KTCK trong bối cảnh quốc tế và đất nước đã có nhiều thay đổi.
 
https://fireant.vn/dashboard
 
Một số Khu KTCK "sớm nở tối tàn" là vì hình thành ở nơi hẻo lánh, trong khi hạ tầng giao thông còn kém. Ảnh chụp tại Khu cửa hàng miễn thuế cửa khẩu Mộc Bài, ngày 19/7/2022. Ảnh: Thu Dịu
 
Mở cửa giao thương, giữ vững biên cương
 
Năm 1996, Khu KTCK Móng Cái - Quảng Ninh được thành lập với các chính sách thí điểm lần đầu tiên áp dụng. Sau đó hàng loạt Khu KTCK lần lượt ra đời với mục tiêu “Mở cửa giao thương”, “Giữ vững biên cương” với các nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia, Lào.
 
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện cả nước đã có 26 Khu KTCK thuộc địa bàn của 21/25 tỉnh biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha, trong đó, giáp biên giới với Trung Quốc có 9 Khu KTCK, giáp biên giới với Lào có 9 Khu KTCK và giáp biên giới với Campuchia có 9 Khu KTCK (Khu KTCK quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum vừa giáp Lào vừa giáp Campuchia).
 
Qua gần 30 năm hoạt động, các Khu KTCK đã khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các tỉnh miền núi, biên giới. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các Khu KTCK đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng gần 8 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2006-2010 đạt 25%, giai đoạn 2011-2015 đạt 20%, đến giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 19%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước trong cùng giai đoạn. Số lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh qua các Khu KTCK tăng đều qua các năm. Tổng thu NSNN qua các Khu KTCK hàng năm đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tại các Khu KTCK giáp với Trung Quốc.
 
 
Về kết quả thu hút đầu tư, tính đến năm 2017, các Khu KTCK trên cả nước đã thu hút được khoảng 800 dự án đầu tư, trong đó có 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50.000 tỷ đồng và khoảng 100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 700 triệu USD.
 
Số liệu mới nhất từ báo cáo Tổng kết việc thực hiện Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số Khu KTCK để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 2016-2020” và đề xuất lựa chọn 8 Khu KTCK tập trung đầu tư giai đoạn 2021-2025, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho thấy: Tính đến năm 2020 các Khu KTCK cả nước thu hút được trên 575 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoản 83 nghìn tỷ đồng và trên 1 tỷ USD.
 
Từ những con số cụ thể trên, có thể thấy, các Khu KTCK được hình thành đã phát huy lợi thế về quan hệ kinh tế - thương mại cửa khẩu biên giới, thu hút các kênh hàng hoá, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch từ các nơi trong cả nước từ nước ngoài vào nội địa thông qua cơ chế chính sách ưu đãi tại các Khu KTCK. Điều này đã giúp cho các ngành, các địa phương trong cả nước, tùy theo quy mô, sự hấp dẫn của cơ chế chính sách ưu đãi thực hiện sự chuyển dịch sản xuất, lưu thông hàng hoá cho phù hợp.
 
Ưu đãi đầu tư nhưng đã hiệu quả?
 
Sau nhiều năm phát triển, thực tế cho thấy mô hình Khu KTCK tại đang bộc lộ những hạn chế nhất định.
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều Khu KTCK, do vị trí địa lý ở khu vực biên giới, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để phát triển, nên nhu cầu giao thương hàng hóa còn hạn chế.
 
Nhiều ý kiến cho rằng việc “rải” đầu tư vào quá nhiều Khu KTCK như hiện nay đang trở thành gánh nặng cho ngân sách.
 
Nhìn lại tổng thể, giải pháp ưu tiên “rót” vốn này của Chính phủ đã được miệt mài áp dụng từ nhiều năm trước. Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cũng đã chọn 9 Khu KTCK trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước gồm: Móng Cái (Quảng Ninh); Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lào Cai; Cao Bằng; Cầu Treo (Hà Tĩnh); Cha Lo (Quảng Bình); Lao Bảo (Quảng Trị); Mộc Bài (Tây Ninh); An Giang.
 
Trước đó, giai đoạn 2013-2015, 8 Khu KTCK được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư gồm: Móng Cái (Quảng Ninh); Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lào Cai; Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); Bờ Y (Kom Tum); Mộc Bài, (Tây Ninh); An Giang.
 
Liên tiếp qua 3 giai đoạn, danh sách các “mũi nhọn” được Chính phủ ưu tiên đầu tư không thay đổi nhiều, tuy nhiên thực tế đã cho thấy, với sự ưu tiên này, các Khu KTCK được lựa chọn chưa phát huy được hết lợi thế, chưa thực sự có sự phát triển đột phá.
 
Theo Bộ KHĐT, việc lựa chọn 8/26 Khu KTCK để tập trung đầu tư được dựa trên kết quả phát triển các Khu KTCK trên tất cả các mặt KT-XH và quốc phòng an ninh. Việc rà soát và đề xuất lựa chọn dựa trên hai nhóm tiêu chí. Nhóm tiêu chí thứ nhất mang tính chất định lượng, phản ánh trình độ, kết quả phát triển và mức độ đóng góp của từng Khu KTCK thông qua các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp như kim ngạch XNK, thu ngân sách, số lượt người xuất, nhập cảnh... Các chỉ tiêu trên thể hiện trình độ, kết quả phát triển và mức độ đóng góp của Khu KTCK trong phát triển KT-XH của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
 
Nhóm tiêu chí thứ hai mang tính chất định tính, được xác định trên cơ sở đánh giá vị trí chiến lược của các Khu KTCK trên các tuyến hành lang, vành đai kinh tế quan trọng trong hợp tác với các nước chung đường biên giới, các nước trong ASEAN và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
 
Có thể nói việc lựa chọn ưu tiên đã xem xét cân nhắc khá kỹ trên cơ sở tổng hợp nhiều tiêu chí.
 
Cuối năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ KHĐT, Chính phủ đã đồng ý danh sách 8 Khu KTCK tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Đó là: Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai, Cao Bằng; Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị); Mộc Bài (Tây Ninh), An Giang.
 
Đánh giá mới nhất của Bộ KHĐT cho thấy, chỉ có 2 Khu KTCK tiếp giáp với Trung Quốc là Móng Cái và Đồng Đăng có sự phát triển, các Khu KTCK còn lại không có sự đột phá, thậm chí còn thụt lùi như Lao Bảo, Cầu Treo, Bờ Y …
 
Có thể hiểu ngoài dựa vào nguồn sữa ngân sách, các địa phương ít có sự nỗ lực cố gắng.
 
Đơn cử đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, sau khi chính sách để lại 50% nguồn thu từ cửa khẩu cho địa phương thay đổi, một số Khu KTCK đã bị ngay chính quyền nơi đó bỏ bê, không quan tâm. Những chính sách khuyến khích đầu tư vào các Khu KTCK cũng gặp khó do không phải địa phương nào cũng có những ưu đãi đúng mức và cách làm hiệu quả.
 
Một nguyên nhân khác mà theo các chuyên gia đánh giá đã làm một số Khu KTCK "sớm nở tối tàn" là vì hình thành ở nơi hẻo lánh, trong khi hạ tầng giao thông còn kém, chưa đồng bộ, tiếp cận đất đai còn khó, yếu tố gián tiếp từ tình hình an ninh biên giới.
 
Bài toán lựa chọn
 
Quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, không nên và không thể đầu tư dàn trải mà phải lựa chọn mũi nhọn để đầu tư phát triển Khu KTCK. Tuy nhiên bài toán lựa chọn không dễ.
 
Khu KTCK Bờ Y-Kom Tum (năm 2007) có một vị trí địa lý vô cùng đặc biệt khi có 1 cửa khẩu quốc tế với Lào và 1 cửa khẩu quốc gia với Campuchia. Đây là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia; là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông; là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, sau 15 năm hoạt động nơi đây vẫn không bừng sắc lên được với điểm yếu nhất, khó khắc phục nhất là hệ thống hạ tầng không được đầu tư đồng bộ, vẫn là một điểm xa xôi, hàng hóa khó vận chuyển (không đường sắt, cảng biển, xa sân bay).
 
Vì vậy dù được đánh giá là vị trí vàng nhưng địa bàn này đã không còn được lựa chọn ưu tiên để phát triển. Bộ KHĐT đã tính tới việc điều chỉnh quy mô diện tích Khu KTCK Bờ Y từ 70.000 ha xuống còn 16.000 ha (giảm tới hơn 4 lần). Cơ chế chính sách của địa bàn này hiện cũng không có gì đặc biệt ưu đãi hơn (thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật có liên quan khác).
 
Nếu như giai đoạn 2013-2015, Bờ Y là một trong 8 Khu KTCK được Chính phủ ưu tiên lựa chọn rót vốn đầu tư phát triển, thì đến giai đoạn 2016-2020, trong danh sách ưu tiên của Chính phủ đã không còn cái tên Bờ Y. Thậm chí giai đoạn 2021-2025, Bờ Y cũng không được lựa chọn.
 
Ở góc độ địa phương, Khu KTCK Mộc Bài (Tây Ninh) được tỉnh Tây Ninh trông đợi rất nhiều, xem như là hướng đột phá kinh tế của tỉnh.
 
Có 3 cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận), phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN, Khu KTCK Mộc Bài nằm trên đường Xuyên Á (bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc). Với con đường này, Mộc Bài chỉ cách TP HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam có 70 km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia là 170 km, trở thành giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia ở miền Nam nước ta.
 
Tuy nhiên đến nay, sau 22 năm áp dụng thí điểm một số chính sách và 11 năm thực hiện quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK Mộc Bài của Thủ tướng Chính phủ, việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có chất lượng, tầm cỡ quốc tế vào đây vẫn còn hạn chế, bất cập, hầu hết là các dự án đầu tư trong nước, quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu.
 
Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân chủ yếu là do Khu KTCK Mộc Bài còn thiếu chính sách thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn, công nghệ cao, chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp lớn, đầu tư chiến lược, dẫn đến chưa tạo được động lực chính cho phát triển; nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và tỉnh Tây Ninh không đáng kể, còn hạn chế nên kết cấu hạ tầng Khu KTCK Mộc Bài chưa được đầu tư đồng bộ.
 
Vì vậy dù xác định ưu tiên phát triển, thiết tha muốn “làm” những ngay cả việc tìm một mô hình phát triển sao cho đúng cũng đang là điểm “lúng túng” của tỉnh khi hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Khu KTCK này không còn phù hợp.
 
 
Điểm kiểm tra hàng hóa XNK cửa khẩu Khánh Bình, An Giang. Ảnh: Thu Dịu
 
Tầm nhìn dài hạn, giải pháp đặc thù
 
Tháng 3/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP về Phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, khẳng định rõ “ Khu vực biên giới là địa bàn trọng yếu, đóng vai trò “phiên dậu” quốc gia” nên “việc phát triển kinh tế thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này là rất cần thiết”.
 
Cùng với đó, tháng 4/2022, Bộ KHĐT đã có văn bản số 2703/BKHĐT-CLPT gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị báo cáo tình hình phát triển Khu KTCK để làm cơ sở lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030; đồng thời cũng làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển các khu vực ưu tiên, khuyến khích phát triển.
 
Điều này cho thấy Chính phủ vẫn quyết tâm xây dựng phát triển Khu KTCK trong giai đoạn tới. Và lựa chọn mũi nhọn, dồn lực đầu tư vẫn là giải pháp quan trọng được các chuyên gia kinh tế cũng như cơ quan quản lý đưa ra cho sự phát triển cho mô hình Khu KTCK.
 
Định hướng này cũng được Bộ KHĐT đưa ra với quan điểm phát triển các Khu KTCK trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KTCK với bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới đất liền, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các Khu KTCK hội tụ đầy đủ thế mạnh phát triển kinh tế, thu ngân sách hàng năm cao và có kim ngạch XNK lớn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại tại khu vực cửa khẩu.
 
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đề cơ bản hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng của Khu KTCK nhằm đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư quy mô lớn, hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa.
 
Tuy nhiên để nguồn vốn ngân sách trung ương thực sự trở thành vốn mồi, các địa phương cần nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
 
Trên thực tế các giải pháp này của cơ quan quản lý được cho là không có gì mới so với trước đây, chưa có giải pháp mang tính đột phá. Trong khi thực tế, các địa phương lại chưa có sự chủ động trong việc lựa chọn, xác định mục tiêu phương hướng phát triển.
 
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Xuân Thủy cũng khẳng định, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển tiếp tục coi Khu KTCK là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các mô hình Khu KTCK truyền thống dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ;… đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển Khu KTCK của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Với mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ, kỳ vọng sẽ sớm có cái nhìn tổng thể, dài hạn với các giải pháp đặc thù cho sự phát triển Khu KTCK trong bối cảnh mới.