Chính phủ Đức và Tập đoàn năng lượng Uniper của nước này cùng công ty mẹ ở Phần Lan - Fortum, đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa trong bối cảnh Uniper đứng trước nguy cơ phá sản.
Chính phủ Đức và Tập đoàn năng lượng Uniper của nước này cùng công ty mẹ ở Phần Lan - Fortum, đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa trong bối cảnh Uniper đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Với thỏa thuận vừa đạt được, Chính phủ Đức sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Uniper, với 98,5% cổ phần.
Trước đó, cuối tháng 8/2022, Chính phủ Đức thông báo mua 30% cổ phần của Uniper (tương đương gói cứu trợ 15 tỷ euro), đồng thời giảm quyền sở hữu của công ty mẹ Fortum từ gần 80% xuống 56% sau nhiều tuần đàm phán nhằm giải cứu nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn có trụ sở tại Düsseldorf thông báo đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng trong gói cứu trợ trên nhưng không cứu vãn được tình hình.
Theo Uniper, nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt trong khi giá khí đốt và điện tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc Uniper không còn đủ năng lực để mua thêm nhiên liệu hay trang trải các khoản đặt cọc giao dịch.
Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của việc chi phí năng lượng tăng vọt và họ đã nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng 8/2022.
Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, đóng vai trò trung gian giữa các nhà cung cấp Nga và người tiêu dùng Đức, Uniper đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi Nga giảm mạnh nguồn khí đốt xuất khẩu qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (North Stream 1).
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vào đầu tháng 9/2022, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang Tây Âu với lý do không giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình bảo dưỡng cũng như không đưa ra khung thời gian về thời gian hoạt động trở lại./.