Mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của FED đêm qua nằm trong tầm dự đoán của thị trường, nhưng thông điệp chấp nhận mọi rủi ro để kiềm chế lạm phát, kể cả những ảnh hưởng rất tiêu cực tới kinh tế mới là điều đáng lo ngại. Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt “đỏ lửa”, trong nước VN-Index rơi sâu hơn 12 điểm tương đương gần 1% với số mã giảm gấp 4 lần số tăng...
Đại đa số blue-chips vốn hóa lớn nhất của VN-Index đều "đỏ đậm" trong sáng nay.
Mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của FED đêm qua nằm trong tầm dự đoán của thị trường, nhưng thông điệp chấp nhận mọi rủi ro để kiềm chế lạm phát, kể cả những ảnh hưởng rất tiêu cực tới kinh tế mới là điều đáng lo ngại. Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt “đỏ lửa”, trong nước VN-Index rơi sâu hơn 12 điểm tương đương gần 1% với số mã giảm gấp 4 lần số tăng.
Khoảng một nửa số cổ phiếu giảm giá trên sàn HoSE đang dưới tham chiếu từ 1% trở lên. Trong khi đó thanh khoản tăng 33% về giá trị khớp lệnh tại sàn này, cho thấy lực cầu đã thoái lui và áp lực bán hạ giá tăng lên.
Mặc dù sự kiện FED tăng lãi suất có thể là thông tin đáng kể cuối cùng của tháng 9 và vài tuần kế tiếp, nhưng nhà đầu tư không hẳn sẵn sàng mua vào giá cao. VN-Index càng về cuối phiên sáng càng tụt sâu với thanh khoản có tín hiệu tăng cho thấy cầu chỉ đỡ giá rất thấp. Lúc này thanh khoản tăng lên hay không là do người bán quyết định.
GAS là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 còn đang xanh, tăng nhẹ 1,38% so với tham chiếu. Cổ phiếu này mang tính trụ đỡ, hơn là thể hiện nhóm cổ phiếu dầu khí mạnh. Giá dầu thế giới cũng lao dốc đêm qua và sáng nay chỉ hồi nhẹ. GAS cũng giảm giá trong khoảng 50 phút đầu phiên, sau đó mới được kéo lên. Thanh khoản của mã này khá yếu, mới khớp 170.200 cổ tương đương 18,8 tỷ đồng. PTV là cổ phiếu duy nhất còn lại trong nhóm tăng 2,67% nhưng thanh khoản chỉ vài chục triệu đồng. PVD, PLX, PSH, BSR, PVC, PVS, OIL, PVB... đều đang giảm giá.
GAS đỡ cho VN-Index khoảng 0,7 điểm, ảnh hưởng cũng hoàn toàn bị nhóm giảm lấn át. VN30 kết phiên sáng với 28 mã giảm giá, 16 mã trong số này giảm trên 1% giá trị. Tín hiệu rất xấu khi VIC đột ngột có một giao dịch lô lớn ngay đầu phiên đẩy giá rơi xuống tận mức sàn. Mặc dù được nâng lên sau đó nhưng cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhì thị trường này vẫn giảm 2,06%. VHM cũng lao dốc 2,57%, VCB giảm 1,52%, MSN giảm 1,88%, CTG giảm 1,76%...
VN-Index vẫn đang chịu sức ép lớn.
Nhóm VN30 lại đang là tác nhân gây ảnh hưởng xấu nhất, chỉ số đại diện giảm 1,25% trong khi Midcap giảm 0,72%, Smallcap 0,66%. Top 10 cổ phiếu kéo điểm số xuống đều là cổ phiếu thuộc VN30. Phía tăng phụ thuộc chủ yếu vào nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ như BCM, OCB, EIB, TCH, DXG...
Nhóm đi ngược dòng sáng nay có thanh khoản khá đuối và cũng không mang tính đại diện. Tiêu biểu có thể kể tới NBB tăng 3,68% thanh khoản 18 tỷ đồng; TCH tăng 2,79% thanh khoản 24 tỷ; DRC tăng 2,47% giao dịch 25 tỷ; LCG tăng 2,22% giao dịch 52,7 tỷ; KSB tăng 2,17% giao dịch 18,3 tỷ; CII tăng 1,86% giao dịch 82,8 tỷ; PAN tăng 1,73% giao dịch 47,4 tỷ...
Top 20 cổ phiếu thanh khoản nhất toàn thị trường sáng nay, chiếm 42% tổng giao dịch, chỉ có 5 cổ phiếu là tăng giá, còn lại toàn giảm. Khối ngoại cũng xả khá mạnh với tổng mức bán ra ở HoSE đạt 650,6 tỷ đồng, tương đương gần 13% giao dịch cả sàn. Mua vào chỉ 436,5 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng 214 tỷ. Khá may mắn là rổ VN30 chỉ bị bán ròng khoảng 130,5 tỷ đồng. NLG bị bán lớn nhất với 60,2 tỷ ròng, KDH -39,5 tỷ, VHM -33,4 tỷ, KBC -19 tỷ, SSI, VND, CTG, NVL là các mã khác bị bán ròng quanh 10 tỷ đồng. Phía mua chỉ có HPG +20,8 tỷ là đáng kể.
Sự kiện FED tăng lãi suất được cho là thông tin bất lợi cuối cùng trong ngắn hạn. Tuy nhiên thị trường vẫn có thể chiết khấu rủi ro với những áp lực mới. VN-Index kết phiên sáng đã rơi xuống 1.198,53 điểm trong khi VN30-Index đã chạm đáy tháng 7. Các blue-chips vẫn đang lao dốc bất chấp ngưỡng hỗ trợ thể hiện ở chỉ số.