Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra 10 cổ phiếu ngân hàng tiềm năng đáng đầu tư trong cuối năm 2022.
VCB với giá mục tiêu 95.600 đồng/cp
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế bao gồm các ngành nghề như ngành hàng không, vận tải, du lịch… Đáng chú ý hơn, những lĩnh vực nói trên chiếm 20-30% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước và VCB không là ngoại lệ. Điều đó có nghĩa gói kích thích này sẽ giúp VCB tăng trưởng tín dụng kể từ nửa cuối năm 2022 trở đi.
Có thể thấy rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng của VCB (kể từ đầu năm cho đến nay) là 18% - thuộc top những ngân hàng có hạn mức tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam, tạo dư địa cho VCB có thể thúc đẩy cho vay mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm nay khi gói hỗ trợ nói trên được giải ngân nhanh chóng hơn.
VNDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VCB đạt 18% trong năm 2022 và tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ đạt 21% so với cùng kỳ. Hiện tại VCB đang giao dịch ở mức 2,5 lần P/B (thấp hơn mức trung bình 3 năm là 3,6 lần).
MBB với giá mục tiêu 34.000 đồng/cp
MBB đã xây dựng một nền tảng ngân hàng toàn diện để có thể đáp ứng tất cả các phân khúc có tiềm năng tăng trưởng mạnh như cho vay bán lẻ, tài chính tiêu dùng và bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp củng cố khả năng sinh lời của ngân hàng cũng như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.
Bên cạnh hệ số CAR và LDR vững chắc, MBB là một trong những cái tên tham gia xử lý các tổ chức tài chính yếu kém, và điều này đã giúp MBB nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với các ngân hàng khác trong đợt nới hạn mức tín dụng vừa qua. Hiện tại, tổng hạn mức tín dụng của MBB lên đến 18,2% - cao thứ 2 so với các ngân hàng khác.
VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của MBB đạt 37% svck năm 2022. Hiện tại MBB đang giao dịch ở mức 1,1 lần P/B 2022, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,5 lần.
VND gợi ý 10 cổ phiếu ngân hàng đầu tư.
HDB với giá mục tiêu 35.900 đồng/cp
HDB đã tập trung hơn vào chiến lược cho vay bán lẻ, cho vay hộ gia đình và nông nghiệp, và tài chính tiêu dùng nhằm giảm thiểu rủi ro tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp để duy trì NIM cao.
Nhờ có chất lượng tài sản tốt cùng với lựa chọn phân khúc cho vay phù hợp, ít cho vay trái phiếu (2% trong tổng cơ cấu tín dụng), hệ số CAR cao (~15% cuối Q2/22 – cao hơn toàn ngành là 12%), và đặc biệt là tham gia vào việc xử lý tổ chức tài chính yếu kém. HDB đã có lợi thế để đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống ngân hàng (18,4% trong năm 2022).
Những điều chỉnh của thị trường trong nửa đầu năm đã khiến HDB có được mức định giá hấp dẫn. Hiện tại HDB đang giao dịch ở mức hấp dẫn là 1,3 lần P/B năm 2022, tương đương mức -1 độ lệch chuẩn.
CTG với giá mục tiêu 40.600 đồng/cp
NHNN vẫn luôn ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế, vì vậy sẽ có một số ngân hàng được lựa chọn để có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác trong năm 2022.
Với hệ số CAR thấp (~9%) và LDR cao (~83%) vào cuối Q2/22, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng cho vay của CTG sẽ chỉ đạt 11% trong năm 2022 sau khi tăng mạnh 9,6% so với đầu năm trong 6T22 tuy rằng ngân hàng cũng sẽ tham gia vào gói hỗ trợ lãi suất kể trên.
VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2022 của CTG sẽ tăng 16%. CTG đang giao dịch ở mức P/B 1,2 lần năm 2022, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,4 lần.
TCB với giá mục tiêu 62.300 đồng/cp
Các quy định chặt chẽ về thị trường vốn đã tác động đến TCB do ngân hàng ghi nhận tỷ trọng cho vay bất động sản và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cao trong danh mục tín dụng của mình.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng TCB có thể vượt qua được rủi ro nói trên nhờ nền tảng vững chắc với hệ số CAR cao nhất và chất lượng tài sản tốt nhất trong các ngân hàng. Mặt khác, TCB đã chủ động đa dạng hóa cơ cấu tín dụng qua việc tăng cơ cấu cho vay bán lẻ để giảm thiểu rủi ro tín dụng/chất lượng tài sản cũng như để duy trì NIM trong thời gian tới.
VNDirect vẫn kỳ vọng TCB sẽ tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh 25% svck năm 2022 nhờ NIM ổn định và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh. TCB đang giao dịch ở mức P/B 2022 rất thấp là 1,1 lần (tương đương -1 độ lệch chuẩn), thấp hơn so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 1,44 lần.
VPB với giá mục tiêu 44.400 đồng/cp
VNDirect tin rằng FE Credit sẽ hồi phục trở lại vào nửa cuối năm 2022 và điều này sẽ giúp VPB cải thiện NIM so với giai đoạn Covid-19 (do FE Credit bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian này) và giai đoạn 6T22 (khi FE Credit tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng).
Bên cạnh đó, vị thế vững chắc trong mảng cho vay bán lẻ sẽ giúp hỗ trợ NIM của VPB. Tuy nhiên chất lượng tài sản của ngân hàng cần được lưu ý do hệ quả sau đại dịch.
Theo ước tính VNDirect, việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp CAR của VPB cải thiện lên mức hơn 17%, từ đó củng cố đà tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng 43% svck năm 2022 (không bao gồm khoản phí độc quyền từ bancassurance). VPB đang giao dịch ở mức P/B 2022 là 1,4 lần, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,8 lần.
ACB với giá mục tiêu 33.400 đồng/cp
Mô hình cho vay thận trọng đã giúp ACB vượt qua những khó khăn liên quan đến việc giám sát thị trường vốn, điều này được thể hiện rõ ở danh mục cho vay của ngân hàng không bao gồm TPDN.
Mặt khác, các khoản cho vay bất động sản chiếm 18% tổng cho vay của ngân hàng, tuy nhiên chủ yếu đến từ hoạt động vay mua nhà (phản ánh nhu cầu thực). Điều này giúp ngân hàng không chịu ảnh hưởng quá nhiều khi các khoản cho vay vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao đang bị thắt chặt.
VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của ACB sẽ tăng trưởng 34% svck năm 2022, nhờ vào tỷ lệ chi phí tín dụng thấp mặc dù tăng trưởng thu nhập hoạt động không quá nổi bật. ACB đang giao dịch ở mức P/B thấp nhất trong 3 năm – 1,1 lần P/B 2022, gần với mức -2 độ lệch chuẩn
VIB với giá mục tiêu 34.400 đồng/cp
Áp lực lạm phát và sự giám sát chặt chẽ trên thị trường vốn sẽ làm chậm đà tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Với đặc điểm tập trung vào cho vay mua nhà, chúng tôi kỳ vọng VIB cũng sẽ ghi nhận đà tăng trưởng cho vay chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Tuy vậy rủi ro NIM thu hẹp có thể được giảm thiểu nhờ phân khúc cho vay này (do có lợi suất cao).
VNDirect ước tính VIB sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng là 21 trong năm 2022. Hiện tại, VIB đang giao dịch ở mức 1,3 lần P/B 2022, tương đương -1 độ lệch chuẩn.
LPB với giá mục tiêu 20.700 đồng/cp
Với CAR thấp (~9%) và LDR cao (~84%) vào cuối Q2/22, chúng tôi kỳ vọng LPB sẽ tăng trưởng cho vay đạt 11,5% svck năm 2022 (6T22 đạt 8,6% so với đầu năm).
Nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu và kiểm soát chi phí hiệu quả trong nửa đầu năm, VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của LPB tăng 49% svck trong năm nay. Ngân hàng đang giao dịch ở mức 1,0 lần P/B 2022 – thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,2 lần.
TPB với giá mục tiêu 38.500 đồng/cp
Việc giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường trái phiếu và tín dụng vào thị trường bất động sản đã tạo ra những khó khăn ngắn hạn đối với các ngân hàng có tỷ trọng TPDN cao như TPB.
Do đó, VNDirect cho rằng TPB sẽ khó có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022. Rủi ro NIM thu hẹp cũng là một yếu tố đáng chú ý khi thị trường TPDN đang bị ảnh hưởng và bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng cao trong nửa cuối năm 2022.
VNDirect kỳ vọng TPB tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 22% svck trong năm 2022. Ngân hàng đang giao dịch ở mức 1,2 lần P/B 2022, tương đương -1 độ lệch chuẩn.