Khối ngoại là một phần quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi giao dịch của khối này thường tác động tâm lý đến một bộ phận lớn nhà đầu tư khối nội.
Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, nhìn chung thị trường rơi vào tình trạng tiêu cực, song giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm sáng khi mua ròng gần 2.600 tỷ đồng kể từ đầu năm trên sàn HoSE. Tuy nhiên, dòng vốn này sau đó đã có sự đảo chiều.
Đảo chiều bán ròng
Cụ thể, sau khi ghi nhận bán ròng tới gần 7.000 tỷ trong quý I/2022, khối ngoại đã thu hẹp đáng kể đà bán ra trong quý II và hơn nửa quý III của năm nay, có thời điểm ghi nhận mua ròng tới gần 4.000 tỷ đồng (đầu tháng 8). Song, đà rút ròng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây đã khiến thành quả trước đó “tan thành mây khói”.
Trước đó, trong năm 2021, giao dịch khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2020 ((18.794 tỷ đồng), thậm chí gấp 2,5 lần tổng lượng khối ngoại đã bán ra trong 2 năm bán ròng 2016 và 2020 cộng lại.
Đà rút ròng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây của khối ngoại đã khiến thành quả trước đó “tan thành mây khói”.
Trở lại đà bán ròng trong mấy tuần vừa qua, giới phân tích cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Trước hết là bởi đồng USD tăng giá quá mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ giá nội tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến nhu cầu chuyển đổi và dự trữ USD của khối ngoại để đầu cơ hoặc đầu tư vào một số loại tài sản khác.
Đồng thời, tỷ giá gia tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư tại thị trường Việt Nam khiến cho nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, phần lớn các quỹ đầu tư cổ phiếu tại TTCK Việt đều ghi nhận tỷ suất sinh lời âm, trừ 2 quỹ có hiệu suất dương là VCBF-MGF (2,6%) và VinaCapital-VIBF (1,7%).
Hơn nữa, dòng tiền ETF cũng đã quay đầu bán ròng trong vài tháng trở lại đây. Do các quỹ ETF chủ yếu là “sân chơi” của các tổ chức ngoại, cho nên động thái rút ròng tại các ETF khiến động lực mua ròng của khối ngoại trên sàn cũng giảm đi đáng kể.
Thực tế, dòng vốn vào Diamond ETF đã đảo chiều từ tháng 7 tới nay. Cụ thể, sau 5 tháng hút ròng liên tiếp và là "cỗ máy" hút tiền mạnh nhất trong nửa đầu năm, quỹ ETF này đã bất ngờ bị rút ròng liên tục 3 tháng gần nhất với giá trị trong tháng 7, 8 và 9 lần lượt là hơn 520 tỷ đồng, 890 tỷ đồng và 380 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, DCVFM VN30 ETF cũng bị rút vốn khá mạnh trong năm 2022. Sau quý I bị rút ròng và tiếp đến là giai đoạn tháng 4 và 5 hút tiền, ETF này đã trở lại trạng thái bị rút ròng trong 4 tháng liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 9. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị rút ròng của quỹ ngoại này đã vượt 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một yếu tố khiến cho dòng vốn ngoại trở nên “thờ ơ” với TTCK Việt được cho là khẩu vị đầu tư của khối ngoại. Bởi những năm gần đây, lĩnh vực Công nghệ, Giáo dục, Y tế, Bán lẻ là những ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất trên toàn cầu, nhưng trên sàn Việt, những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong khi nhóm vốn hóa lớn chủ yếu lại là “địa bàn” của Ngân hàng, Chứng khoán hay Bất động sản.
Tổ chức quốc tế đặt niềm tin
Nhìn chung, trước áp lực từ sự bất ổn toàn cầu, vị thế của Việt Nam khó tránh khỏi bị tác động. Tuy vậy kinh tế vĩ mô vẫn đang vận hành tốt và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Sau khi S&P tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên Ba2 với sự triển vọng ổn định trong dài hạn.
Cùng quan điểm, Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý III và 7,8% trong năm 2022.
Tương tự, Pyn Elite Fund tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những áp lực và tốc độ tăng trưởng có thể chống chọi lại với khủng hoảng với dự phóng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7,5% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng thu nhập tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể đạt 25%.
“TTCK Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới”, Pyn Elite Fund nhấn mạnh.
Người đứng đầu Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để ra quyết định đầu tư vào Việt Nam là việc Việt Nam đã thành công vượt qua những cuộc khủng hoảng như thế nào trong 20 năm qua. Từ những năm 2000, bong bóng Dot-com đã khiến cho phía kinh tế châu Âu tăng trưởng ở con số 0, nhiều nơi khác trên thế giới tăng trưởng với mức 2%-3%, song Việt Nam vẫn là 5%.
Tiếp theo, cuộc khủng hoảng 2008-2009 khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm 9%, tuy vậy GDP vẫn tăng 5%. Thời đó, không có nhiều khoản vay bằng đồng USD ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam lúc đó rất nghiêm ngặt, chặt chẽ với chính sách về nợ và tỷ lệ nợ công/GDP. Do đó, sếp của Pyn Elite Fund lạc quan nền kinh tế Việt Nam có thể đương đầu với tất cả những chiều hướng xấu của châu Âu và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Pyn Elite Fund cũng thừa nhận vấn đề lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến TTCK Việt và cho rằng mùa thu năm nay là thời gian khó khăn cho nhà đầu tư, song không nên quá bi quan.
“Pyn Elite Fund xác định mức lãi không phải từ 20% - 50% mà phải lớn hơn, con số phải tới mức lợi nhuận 200% - 300% và diễn biến gần đây trên thị trường vẫn đi theo đúng hướng”, ông Petri Deryng nói.
Bên cạnh những đánh giá khá là tích cực về TTCK Việt, thực tế cho thấy, nhiều quỹ ngoại vẫn hút ròng hoặc tiếp tục rót vốn vào sàn Việt trong tháng 9 “đỏ lửa”. Điều này cho thấy các nhà đầu tư ngoại vẫn đặt niềm tin vào chứng khoán Việt.
Chẳng hạn, sau nửa đầu năm 2022 liên tiếp bị rút ròng, FTSE Vietnam ETF đã hút ròng gần 39 triệu USD (~ 928 tỷ đồng) từ đầu quý III/2022. Tính riêng từ đầu tháng 9 tới 20/9, quỹ ngoại này đã hút ròng gần 3,3 triệu USD (~ 78 tỷ đồng). Sự trỗi dậy trở lại của FTSE Vietnam ETF được đánh giá là góp phần không nhỏ kéo khối ngoại mua ròng trở lại.
Hay như vừa qua đã có thêm quỹ ETF Hong Kong rót vốn vào TTCK Việt Nam. Cụ thể, Công ty quản lý tài sản CSOP Asset Management (CSOP) thông báo đã ra mắt quỹ hoán đổi danh mục CSOP FTSE Vietnam 30 ETF.
CSOP đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 15 lần trong 25 năm qua. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đây là những lý do thành lập CSOP FTSE Vietnam 30 ETF.