• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,13 +7,43/+0,60%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,13   +7,43/+0,60%  |   HNX-INDEX   223,70   +1,45/+0,65%  |   UPCOM-INDEX   92,06   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.299,22   +7,28/+0,56%  |   HNX30   475,80   +4,06/+0,86%
27 Tháng Mười Một 2024 6:25:54 SA - Mở cửa
Nội dung phát triển logistics xanh
Nguồn tin: Tạp chí Công Thương | 04/09/2022 1:20:00 CH
Bài viết bàn về những quan điểm cơ bản trong và ngoài nước về nội dung phát triển logistics xanh. Từ đó, tác giả đã đưa ra nội dung cơ bản về phát triển logistics, nội dung các tiêu chí đánh giá phát triển logistics xanh.
 
 
 
1. Lý do nghiên cứu
 
Nền kinh tế ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu thì cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác nhiều và dần trở nên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Chính vì vậy, hướng tới tăng trưởng xanh đang dần trở thành vấn đề toàn cầu và mục tiêu của tất cả các quốc gia cần hướng đến. Trong đó, logistics là một trong những lĩnh vực được xem là gây ô nhiễm môi trường, do đó cần phát triển logistics xanh. Việc xác định nội dung phát triển logistics xanh, nội dung tiêu chí đánh giá phát triển logistics xanh chính là căn cứ để thực hiện phát triển logistics xanh.
 
2. Cơ sở lý luận
 
Phát triển logistics xanh là một trong những nhân tố quan trọng để hướng tới tăng trưởng xanh.
 
Theo Lê Anh Tuấn, về cơ bản, các nghiên cứu phát triển logistics xanh tập trung vào các lĩnh vực sau đây:
 
+ Giảm khối lượng vận tải bên ngoài
 
+ Nâng cao hiệu quả vận tải trong các thành phố
 
+ Logistics ngược
 
+ Chính sách logsitics trong chiến lược môi trường của công ty
 
+ Chuỗi cung ứng xanh.
 
Bên cạnh đó, chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của logistics xanh. Việc đưa ra hay siết chặt các chính sách về môi trường dẫn đến các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh hoặc tái cơ cấu lại hoạt động logistics của mình. Chính phủ có thể sử dụng các công cụ về mặt chính sách để thúc đẩy phát triển logistics xanh như:
 
+ Thuế: thuế nhiên liệu, thuế phương tiện và thuế sử dụng đường.
 
+ Hỗ trợ tài chính: hỗ trợ tài chính cho các công ty sử dụng phương tiện vận tải xanh, hỗ trợ một số phương thức vận tải.
 
+ Quy hoạch sử dụng đất và cơ sở hạ tầng: xây dựng và quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng và cảng biển, kiểm soát sử dụng đường bộ và quy hoạch khu vực cho logistics.
 
+ Đẩy mạnh vai trò của Chính phủ trong việc xác định và đẩy mạnh các điển hình về chính sách môi trường tốt nhất trong vận tải.
 
Theo Guoyi Xiu & Xiaohua Chen, logistics xanh ở Đức phát triển mạnh và đứng vị trí dẫn đầu thế giới. Để giảm thải khí carbon, Đức thiết lập mạng lưới vận chuyển carbon thấp như sử dụng phương tiện vận chuyển chính là đường sắt và đường thủy với mạng lưới hoàn hảo, sử dụng vận tải đa phương thức.
 
+ Các phương tiện vận tải phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường và người lái xe phải biết về các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ trợ cấp đối với doanh nghiệp sử dụng các phương tiện tiết kiệm năng lượng. Việc tiết kiệm năng lượng cũng được thực hiện thông qua đào tạo lái xe để họ có thể tiết kiệm từ 10 - 20% nhiên liệu. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Đức thường có đội ngũ tư vấn riêng để thiết kế vận chuyển đa phương thức xanh.
 
+ Theo khảo sát, xe tải vận chuyển trên đường ở Đức chiếm tới 80% là cho thuê, chính phủ hỗ trợ tài chính về phí đường cao tốc, trợ cấp cho các phương tiện cho thuê. Mặt khác, Chính phủ cũng rất chú trọng việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và đào tạo đội ngũ nhân viên của công ty, đồng thời rất quan tâm đến nghiên cứu, phát triển công nghệ logistics xanh và Đức trở thành nước xuất khẩu công nghệ logistics xanh lớn nhất trên thế giới.
 
+ Đức cũng chú ý hơn tới việc áp dụng khoa học và công nghệ thông tin như dùng GPS để quản lý thông tin của nhóm và cuối cùng là theo dõi hệ thống định vị. Bên cạnh đó, việc sử dụng container tháo rời đã giảm tỷ lệ xe không tải từ 30 - 40%, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng xe tải, cũng như tiết kiệm năng lượng.
 
Tác giả Li Xue cho rằng, logistics xanh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và thể hiện xu hướng phát triển logistics trong tương lai. Tác giả đã phân tích 4 lỗ hổng lớn trong phát triển logistics xanh ở Trung Quốc và chỉ ra 8 biện pháp và chiến lược phát triển logistics xanh, như: đưa ra khái niệm hoạt động logistics xanh, đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống pháp luật, tối đa hóa thực hiện vận tải đa phương thức, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng logistics xanh, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa logistics xanh, phát triển công nghệ thông tin xanh, phát triển và phổ biến công nghệ mới, tăng cường đào tạo nhân lực logistics xanh. Ngoài ra, phát triển logistics xanh ở nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc là đề cập đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động logistics gây ra, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Áp dụng công nghệ logistics tiên tiến để lập kế hoạch, thực hiện vận tải đa phương thức, kho bãi, bốc xếp và các hoạt động hậu cần khác.
 
3. Nội dung phát triển logistics xanh
 
Các tác giả đã cho thấy nội dung phát triển logistics xanh được thể hiện với nhiều quan điểm, mức độ bao trùm khác nhau. Với sự tiếp thu các công trình nghiên cứu trước, theo tác giả, phát triển logistics xanh chính là những nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động logistics gây ra. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đề cập đến nội dung phát triển logistics xanh thông qua các nhóm tiêu chí sau: Thứ nhất, xanh hóa hoạt động vận tải.
 
Đây là hoạt động logistics gây ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường, lượng khí thải từ hoạt động vận tải chiếm tới 80 - 90% khí thải của hoạt động logistics. Vì vậy, để hướng tới xanh hóa các hoạt động logistics của doanh nghiệp, một trong những yếu tố rất quan trọng là đầu tư chất lượng phương tiện vận tải. Trước hết doanh nghiệp phải đầu tư phương tiện vận tải đạt tiêu chuẩn khí thải, đa dạng hóa loại hình vận tải và ưu tiên sử dụng vận tải đa phương thức, kết hợp các loại hình vận tải để giảm ô nhiễm môi trường.
 
+ Sử dụng phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải, nâng cao chất lượng của các loại hình vận tải.
 
Sử dụng các phương tiện giao thông xanh giúp làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần cải thiện chất lượng không khí ở đô thị. Sử dụng phương tiện xả thải thấp, áp dụng công nghệ mới có thể được khuyến khích bằng cách giảm thuế đường bộ, bằng trợ cấp hoặc bằng cách xử phạt các phương tiện cũ, có lượng khí thải lớn.
 
+ Kết hợp vận tải đa phương thức
 
Là quá trình vận tải có từ 2 phương thức trở lên. Việc sử dụng phương thức vận tải linh hoạt, sử dụng hiệu quả vận tải đa phương thức đã giúp tiết kiệm chi phí thông thường, đồng thời dẫn đến lợi ích môi trường về tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn cho mỗi tấn - km. Vận tải đa phương thức giúp mở rộng mạng lưới vận tải và tăng hiệu quả kinh tế nhờ sử dụng các phương thức vận tải có khả năng vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, từ đó, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.  
 
Bảng. Khối lượng khí thải CO2 trên một tấn km
 
https://fireant.vn/
 
Nguồn: Tác giả tổng hợp
 
Do nồng độ CO2 khác nhau giữa các phương tiện vận tải nên thay bằng việc vận chuyển bằng phương tiện có nồng độ khí thải CO2 cao như đường hàng không, đường bộ bằng phương tiện có khí thải CO2 thấp hơn như đường sắt, đường biển. (Xem Bảng)
 
+ Tăng hiệu suất nhiên liệu và sử dụng nhiên liệu xanh
 
Sử dụng nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho hệ thống vận tải, kho bãi,…
 
+ Sử dụng phần mềm quản lý vận tải
 
Phần mềm chuyên dụng cho hoạt động quản lý đội xe, container, điều phối, báo cáo,… hỗ trợ người vận hành dễ dàng, giảm thiểu sai sót, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả vận chuyển, giảm chi phí, đạt được khả năng hiển thị chuỗi cung ứng theo thời gian thực và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Phần mềm vận tải thực hiện hỗ trợ quy trình các khâu đặt hàng, giám sát, giao nhận, chuyển điều phối container, quản lý các loại xe tải, xe đầu kéo,… giảm được nhiều thời gian chờ đợi, lấy hàng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn giao thông, tối ưu hóa việc quản lý vận chuyển hàng hóa góp phần giảm khí thải ra môi trường.
 
Thứ hai, xanh hóa hoạt động kho bãi.
 
Đây là hoạt động gây ô nhiễm không khí sau hoạt động vận tải, chính vì vậy việc xanh hóa kho tàng bến bãi là ưu tiên thứ 2 trong việc tiến tới xanh hóa các hoạt động logistics trong doanh nghiệp.
 
Do đó, xanh hóa kho bãi cũng là yếu tố quan trọng khi thực hiện xanh hóa logistics trong chuỗi cung ứng.
 
- Đầu tư nâng cấp hệ thống kho bãi: Thực hiện hoạt động như đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà kho, đầu tư xe tải, xe chuyên dùng và trang thiết bị trong kho hiện đại.
 
- Thiết kế và xây dựng kho bãi: Thiết kế công trình bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả, khai thác năng lượng xanh.
 
- Vị trí đặt kho hàng gần các đầu mối giao thông và các khu công nghiệp: bố trí kho bãi gần với tuyến đường giao thông, sân bay,... sẽ tối ưu được chi phí, thời gian và nhiên liệu trong quá trình vận chuyển, góp phần xanh hóa hoạt động kho bãi.
 
-   Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kho bãi
 
Thông thường, các doanh nghiệp quản lý tồn kho bằng file excel hay các dữ liệu quản lý kho hàng rời rạc, dễ bị nhầm lẫn, gây ảnh hưởng đến vận hành cũng như báo cáo tồn kho, gây mất thời gian lao động. Vì vậy, để hỗ trợ cho công tác quản lý kho, giúp hàng hóa được sắp xếp gọn gàng, dễ tìm kiếm và bảo đảm an toàn cho hàng hóa trong quá trình xếp hàng, các doanh nghiệp cần đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý đơn hàng và dò tìm vị trí hàng hóa như sử dụng các phần mềm tính toán, thiết bị đọc mã vạch.
 
Mặt khác, doanh nghiệp cần áp dụng nội quy cũng như trang bị kiến thức về an toàn lao động cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong kho nhằm đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa. Cần dự trữ và bố trí hàng hóa hợp lý để tránh lãng phí và tăng chi phí lưu trữ. Vì vậy, cần tính toán tỷ lệ chi phí hàng tồn kho, nghiên cứu về khối lượng cung, cầu để áp dụng chiến lược hàng tồn kho thích hợp.
 
Ngoài ra, hiện nay đã có rất nhiều phần mềm quản lý bán hàng, quản lý phân phối và phần mềm quản lý vận tải,... hỗ trợ việc kiểm tra, sắp xếp, lưu trữ, tìm kiếm và theo dõi từng lô hàng đến kho hay bất cứ nơi nào. Phần mềm cũng giúp cho việc chia sẻ và trao đổi thông tin với đối tác, khác hàng một cách nhanh chóng và minh bạch.  
 
 Thứ ba, xanh hóa hoạt động phân phối.
 
- Quy hoạch và phát triển mạng lưới chợ, cửa hàng, hệ thống đại lý bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại
 
Định hướng và quy hoạch phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Thiết kế các công trình thương mại phù hợp, quy hoạch vị trí, địa điểm phù hợp với quy hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành và môi trường.
 
- Gắn nhãn xanh cho sản phẩm và sử dụng bao bì thân thiện môi  trường
 
Thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng là hoạt động quan trọng. Gắn nhãn xanh cho sản phẩm thể hiện doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng túi nilon, bao bì đóng gói sản phẩm bằng vật liệu nhựa,…
 
- Sử dụng bao bì tái chế
 
 Bao bì có thể tái chế sử dụng được là những loại bao bì như bao bì giấy, bao bì nhựa, bao bì kim loại và chai lọ thủy tinh,... Vấn đề lo ngại về ô nhiễm môi trường là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng đối với bao bì xanh - sạch  ngày càng cao, góp phần giảm thiểu chất thải nguy hại ra môi trường. Bên cạnh đó, chính phủ các nước đã nhận thức và đề ra những quy định để cải thiện môi trường, các cam kết này được thống nhất và đồng thuận bởi các chính phủ trên toàn thế giới. Vì vậy, hiện nay, các công ty sản xuất bao bì đang chịu áp lực phải sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và áp dụng công nghệ sản xuất bao bì có tác động môi trường ít nhất có thể. Việc sử dụng bao bì xanh - sạch tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường vì người tiêu dùng đang có xu hướng thích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Tất cả những yếu tố trên cho thấy, nhu cầu về bao bì xanh - sạch đang và sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn sắp tới.
 
Thứ tư, phát triển hoạt động logistics ngược.
 
Hoạt động logistics xuôi là nói đến dòng chảy của hàng hóa từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng thì logistics ngược hiểu một cách đơn giản là quản lý dòng chảy của hàng hóa từ người tiêu thụ cuối cùng trở về nơi sản xuất. Quá trình đó được thực hiện do doanh nghiệp tiến hành thu hồi hàng hóa bị trả lại, tận dụng phế liệu, phế phẩm từ vật liệu đóng gói, vận chuyển nguyên vật liệu tái chế thu được từ người tiêu dùng cuối cùng. Chính vì vậy, hoạt động logistics ngược sẽ góp phần bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đây cũng được coi là trách nhiệm với xã hội mà doanh nghiệp cần phải làm.
 
Một số định nghĩa khác về logistics ngược là hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, hướng tới logistics xanh. Logistics ngược xử lý phần dư thừa với mục đích tạo ra dòng vận động cho phần dư thừa một cách kinh tế và thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng các hoạt động chuyển đổi cả mặt không gian lẫn thời gian, bao gồm cả thay đổi khối lượng và chủng loại hay Logistics ngược là quá trình thu hồi các phế phẩm, phế liệu, phụ phẩm và tất cả các yếu tố khác phát sinh từ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến môi trường để xử lý hoặc tái chế.
 
Thứ năm, xanh hóa hoạt động logistics trong doanh nghiệp.
 
- Xanh hóa hoạt động đầu vào
 
Để thực hiện xanh hóa hoạt động đầu vào doanh nghiệp cần chọn nhà cung cấp phù hợp như nhà cung cấp sử dụng bao bì đơn giản và vật liệu thân thiện với môi trường, quãng đường vận chuyển tối ưu có thể làm giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động logistics. Mặt khác, trong quá trình lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho cùng một mục đích sử dụng thì cần ưu tiên việc thu mua các sản phẩm có ít tác động đến sức khỏe con người và môi trường sống.
 
- Xanh hóa hoạt động đầu ra (hoạt động tiêu thụ sản phẩm)
 
Theo quan điểm coi tiêu thụ như là một quá trình thì các hoạt động làm xanh hóa tiêu thụ sản phẩm thường bao gồm xây dựng kế hoạch tiêu thụ, chuẩn bị hàng xuất bán và lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm. Ở đây, tác giả xin đề cập đến khâu chuẩn bị hàng xuất bán và lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm: 
 
- Chuẩn bị hàng hóa để xuất bán: Đây là khâu rất quan trọng giúp cho quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa được liêu tục và không bị gián đoạn, chính vì thế các nghiệp vụ ở kho bao gồm tiếp nhận, phân loại, lên nhãn hiệu sản phẩm, bao gói, sắp xếp hàng hóa ở kho - bảo quản và ghép đồng bộ để xuất bán cho khách hàng cần được chú trọng. Việc tiếp nhận sản phẩm, hàng hóa từ các nguồn nhập kho (từ các phân xưởng, tổ đội sản xuất của doanh nghiệp) theo đúng đầy đủ về số lượng và chất lượng mặt hàng quy cách, chủng loại hàng hóa và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc thực hiện xanh hóa hoạt động tiêu thụ.
 
-  Lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm
 
Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì doanh nghiệp có thể lựa chọn thực hiện qua kênh trực tiếp hoặc kênh gián tiếp. Việc lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm một cách hợp lý trên cơ sở tính đến các yếu tố như đặc điểm sản phẩm, các điều kiện vận chuyển, bảo quản, sử dụng... đóng vai trò rất quan trọng.
 
Kênh trực tiếp là hình thức doanh nghiệp không qua một khâu trung gian nào mà tiến hành xuất bán thẳng sản phẩm của mình cho người tiêu dùng cuối cùng. Kênh tiêu thụ này giúp cho sản sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, chi phí lưu thông có thể giảm, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng... song nó cũng có nhược điểm là doanh nghiệp phải tiếp xúc với nhiều bạn hàng, phải dành nhiều công sức, thời gian vào quá trình tiêu thụ, nhiều khi làm tốc độ chu chuyển của vốn lưu động chậm hơn,...
 
Kênh gián tiếp là hình thức doanh nghiệp thông qua khâu trung gian để đưa sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong quá trình tiêu thụ, việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản trị và điều hành doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
 
Như vậy, mỗi kênh tiêu thụ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó, doanh nghiệp phải lựa chọn hợp lý các hình thức tiêu thụ sản phẩm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, để thực hiện xanh hóa trong hoạt động phân phối, việc nâng cao nhận thức, vai trò của người tiêu dùng trong việc sử dụng những sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ thân thiện với môi trường là giải pháp quan trọng và cần thiết.