Tháng 8, chỉ số sàn HOSE tăng hơn 6% cùng với thanh khoản tăng mạnh hơn 35%.
Dù tăng đáng kể trong tháng 8, VN-Index là một trong những chỉ số có diễn biến tệ nhất trên thế giới từ đầu năm tới nay.
Theo tổng kết của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.280,51 điểm, tăng 6,15% so với tháng 7.
Cùng đà tăng với chỉ số chính, một số ngành ghi nhận mức tăng gồm chỉ số ngành năng lượng (VNENE) tăng 15,51%; ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 14,02%; ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 9,27%. Bên cạnh đó, ghi nhận giảm là ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) với 3,6%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 15.607 tỷ đồng và 626,87 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 35,68% về giá trị bình quân và 27,18% về khối lượng bình quân so với tháng 7.
Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt hơn 14,41 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 358.962 tỷ đồng; tương ứng tăng 39,29% về khối lượng và 48,61% về giá trị so với tháng 7.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 40.482 tỷ đồng, chiếm 5,63% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng 8 với giá trị trên 1.797 tỷ đồng.
Kịch bản nào cho tháng 9?
Chỉ số sàn HOSE ghi nhận tăng đáng kể trong tháng 8, tuy nhiên vẫn giảm 14,53% so với cuối năm 2021.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư FIDT cho rằng, bất chấp những điểm sáng về kinh tế vĩ mô và nội tại, VN-Index lại là một trong những chỉ số có diễn biến tệ nhất trên thế giới từ đầu năm tới nay.
“Ngoài những yếu tố từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, thì vụ Trái phiếu Tân Hoàng Minh đã có những tác động mạnh mẽ lên thị trường. Mặc dù đây là cú hãm phanh cần thiết của cơ quan quản lý để tránh những hệ lụy nguy hiểm về sau, cụ thể là nợ xấu do các bên huy động vốn không đúng mục đích, nhưng cũng đã có những tác động tiêu cực lên thanh khoản và tâm lý thị trường”, ông Tuấn bình luận.
Ngoài ra, tác động còn đến từ những tin đồn về các ông chủ lớn, chưa có năm nào thị trường lại có nhiều tin đồn liên quan đến nhiều ông chủ các doanh nghiệp như năm nay và còn kéo dài. Các tin đồn này đa phần đều không xảy ra trừ vụ Tân Hoàng Minh, nhóm cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân. Nhưng các tin đồn này đã làm suy kiệt về mặt tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn quý 2.
Chuyên gia của FIDT cho rằng, mặc dù 2 sự kiện trên sẽ tốt cho thị trường và nền kinh tế trong trung và dài hạn, nhưng có tác động rất lớn đến tâm lý thị trường. Đặc biệt với một thị trường cận biên như Việt Nam bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân thì yếu tố tâm lý có tác động rất lớn. Và đã khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi tâm lý được ổn định, cũng là giai đoạn phục hồi của thị trường. TTCK đón nhận sự trở lại của các tay chơi chuyên nghiệp, sau khi bán mạnh trong các tháng đầu năm, thì nhóm này đang quay trở lại mua ròng trong các tháng gần đây. Có thể thấy, giai đoạn này khối ngoại lẫn tổ chức đang dần lấy lại sự chủ động từ nhà đầu tư cá nhân.
“Với định giá P/E hiện tại vẫn là mức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung dài hạn khi so sánh với quá khứ, so sánh với các nước trong khu vực và thị trường mới nổi. So sánh tương quan với 2018, cũng là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán, và có điểm tương đồng với hiện tại là vào chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, có một số khác biệt là nền kinh tế 2018 đạt đỉnh từ quý 2, trong khi hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt, ít nhất là đến hết 2022”, ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, có phần thận trọng, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS) cho rằng, thị trường trong tháng 9 sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi.
Thứ nhất là thị trường đã trải qua chu kỳ tăng (sóng hồi) và đang chạm kháng cự vùng 1.300 điểm, xác suất trên 50% là sẽ giảm điểm. Thứ hai, các ngân hàng trung ương trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đang trong xu hướng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Thứ ba, tháng 9 cũng là vùng trũng thông tin khi mà kết quả kinh doanh quý 3 sẽ không được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
“Tôi cho rằng đây là lúc nhà đầu tư cần thận trọng và chờ đợi cơ hội rõ ràng, như đợi thị trường điều chỉnh. Sắp tới ngân hàng trung ương các nước lớn sẽ tăng lãi suất. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên các tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán. Nên mua khi cổ phiếu giảm 10-20%, sau đó đợi 1 – 2 tuần bán ra chốt lời là chiến lược hợp lý nhất”, chuyên gia MBS cho biết.