• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 12:31:54 CH - Mở cửa
"Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn rà soát"
Nguồn tin: BizLive | 14/01/2023 11:05:17 SA
Sau giai đoạn kiểm tra, rà soát thị trường bất động sản, với lợi thế nền kinh tế tăng trưởng được dự báo nằm trong top 5 nước có tiềm năng phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là điểm đến của những doanh nghiệp nước ngoài.

 
Ông Dylan Yip - Phó Tổng Giám đốc Chiến lược Tổ chức Giải thưởng châu Á.
 
Đó là một trong những nhận định của ông Dylan Yip, người có 17 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Indonesia, Malaysia… Hiện ông Dylan Yip đảm nhiệm vai trò Phó Tổng Giám đốc Chiến lược Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO).
 
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư
 
Sau một thời gian làm việc ở nhiều nước châu Á, vì sao ông lại chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp?
 
Việt Nam là một thị trường tiềm năng hơn so với Singapore – quê hương của tôi. Singapore là một đất nước đã phát triển, giai đoạn cao trào của làn sóng bất động sản đã qua, tất cả những công trình - dự án trọng điểm đều đã được xây dựng nên có rất nhiều tòa nhà cũ. Xu hướng bất động sản tại đây là hiện đại hóa, làm trẻ lại những cái tòa nhà cũ mà không phải xây mới như ở Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng tại Việt Nam đang cao do nhiều khu vực chưa phát triển. Đó là lý do tôi quyết định sang Việt Nam làm việc bởi thị trường bất động sản nơi đây mang lại cho tôi những thử thách, cơ hội mới.
 
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam? Và đâu là điểm khiến ông chưa thấy hài lòng?
 
Singapore là một đất nước có diện tích nhỏ nên khi nhắc đến dự án bất động sản, quy mô chỉ vài trăm, vài ngàn km2. Còn ở Việt Nam, các dự án có quy mô lên tới vài ha là chuyện bình thường. Tôi cho rằng, quy mô của dự án thể hiện tiềm năng của thị trường bất động sản, tiềm lực tài chính, năng lực của chủ đầu tư và khả năng xuống tiền của người mua.
 
Chính bởi tiềm năng đó mà Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn từ Nhật Bản, Singapore… trong vài năm qua. Không chỉ tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, những nhà đầu tư nước ngoài còn mang tới những công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý hiện đại cũng như chuẩn mực mới về không gian sống.

 
Ông Dylan Yip đánh giá cao về sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam.
 
Kiến trúc Việt Nam mang dấu ấn bản sắc văn hoá dân tộc
 
Theo ông, sự khác biệt đặc trưng về kiến trúc trong các dự án bất động sản tại Singapore và Việt Nam là gì?
 
Singapore là một đất nước đã phát triển nên chúng tôi ưu tiên hướng tới các yếu tố đảm bảo sự bền vững, ổn định cho thế hệ tương lai, ví dụ như xây dựng không gian xanh, bảo vệ môi trường. Các nhà đầu tư cũng ủng hộ và tập trung vào phát triển bền vững chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu. Nhưng ngược lại, ở Việt Nam, tôi thấy lợi nhuận sẽ được ưu tiên hơn là các yếu tố bền vững.
 
Về thiết kế nói chung, các công trình ở Singapore mang đậm sự hội nhập quốc tế còn kiến trúc Việt Nam cổ điển hơn và đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
 
Điều gì tạo nên nét đặc trưng như hiện tại trong kiến trúc Việt Nam?
 
Do tiến trình lịch sử, nhiều quốc gia như Singapore rất khó khăn trong việc lưu trữ và bảo tồn bản sắc văn hóa. Mặt khác, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh khiến kiến trúc của đảo quốc Sư tử sớm hội nhập với quốc tế. Còn Việt Nam - đất nước có lịch sử lâu đời thì có bản sắc văn hoá dân tộc sâu sắc hơn.
 
Theo quan điểm của cá nhân tôi, kiến trúc của Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập với thế giới và chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế. Số lượng những công trình nổi bật, mang tính biểu tượng của quốc gia không nhiều.
 
Ở nước ngoài, những người làm thiết kế hay chủ đầu tư sẽ có suy nghĩ: “Tôi sẽ xây một tòa nhà và nó sẽ đại diện cho tên tuổi của tôi. Công trình đó sẽ đưa tên tuổi của tôi trở thành một kiến trúc sư quốc tế, mang lại sự uy tín, danh giá cho chủ đầu tư”. Họ luôn vận động, sáng tạo, tìm tòi để phát triển ý tưởng của mình với tầm nhìn xa hơn, mang tính bền vững hơn. Còn ở Việt Nam, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến việc bán được dự án hay không, có thu được nhiều lợi nhuận không? Các kiến trúc sư thì nhìn chung chưa xây dựng được tư duy phải tiến ra quốc tế.
 
Song không thể phủ nhận, Việt Nam có nhiều kiến trúc sư giỏi, có tài năng. Họ có thế mạnh là những công trình mang đậm bản sắc dân tộc và được thế giới công nhận. Nhưng nhìn chung chỉ nhỏ lẻ và số lượng ít. Việt Nam cần có nhiều KTS và công trình đủ sức tạo ra dấu ấn và biểu tượng hơn trong tương lai.
 
Một thực tế rằng, không ít nhà phát triển bất động sản lo ngại các dự án mang dấu ấn kiến trúc văn hoá bản địa lại khó bán hàng. Thế nên, họ thường quảng cáo công trình mang đậm phong cách châu Âu. Ông nghĩ sao về điều này?
 
Theo tôi, có thể là do Việt Nam có dân số trẻ, người dân sử dụng công nghệ, truy cập internet khá nhiều. Quan điểm của họ dễ thay đổi và tiệm cận với xu hướng hội nhập quốc tế. Chính việc tiếp cận với văn hoá quốc tế khiến họ thay đổi sở thích, lối sống, “chuộng” kiến trúc Tây hoá.
 
Thật ra bài toán cân bằng giữa bản sắc văn hóa và lợi nhuận rất khó vì với cương vị là một người phát triển bất động sản, họ phải đi theo thị hiếu của thị trường. Khi thị hiếu của khách hàng thay đổi, những nhà phát triển bất động sản cũng sẽ thay đổi, chứ không thể cố gắng chống lại. Tất cả mọi người đều mong muốn tiến lên, phát triển và việc đổi mới là tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn phải cố gắng để giữ gìn và bảo vệ bản sắc dân tộc trong kiến trúc.
 
Kỳ vọng Việt Nam sẽ có công trình mang tính biểu tượng
 
Điều gì khiến ông luôn cho rằng, kiến trúc Việt Nam trong dự án bất động sản phải giữ bản sắc văn hoá dân tộc vừa hội nhập quốc tế?
 
Bởi điều này sẽ tạo nên khác biệt lớn trong kiến trúc của Việt Nam với những đất nước khác. Ví dụ như ở Singapore hay Trung Quốc, có những tòa nhà chọc trời rất nổi tiếng và mang bản sắc quốc gia. Tôi cho rằng, dấu ấn văn hoá sẽ là nền tảng, đưa kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh, đi ra với thế giới hơn.
 
Ngoài ra, Việt Nam cần phải gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua kiến trúc để còn truyền lại cho thế hệ sau. Khi nhìn vào lịch sử của dân tộc, các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, họ sẽ trở nên tự hào.
 
Liệu sẽ có sự thay đổi rõ nét về phong cách kiến trúc tại dự án bất động sản trong thời gian tới không, thưa ông?
 
Về diễn biến thị trường, tôi cho rằng, bất động sản trong 1, 2 năm tới sẽ rất khó khăn. Chính phủ Việt Nam đang tra soát lại những dự án bất động sản hiện có trên thị trường. Việc tra soát này rất cần thiết vì sẽ góp phần thanh lọc thị trường, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi rót vốn vào Việt Nam.
 
Nhưng cũng bởi vậy, rất nhiều dự án bị tạm ngưng xây dựng. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng dừng đổ vào Việt Nam, nghĩa là chúng ta sẽ có một quãng tạm nghỉ.
 
Nhìn về tương lai lâu dài, đây là giai đoạn rất cần thiết để chuẩn bị cho sự thay đổi. Sau giai đoạn kiểm tra, rà soát, với lợi thế nền kinh tế tăng trưởng được dự báo nằm trong top 5 nước có tiềm năng phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là điểm đến của những doanh nghiệp nước ngoài.
 
Chắc chắn sẽ có những công ty kiến trúc nước ngoài muốn vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên một sự thúc đẩy, áp lực đối với kiến trúc sư trong nước, buộc họ phải thay đổi, làm thương hiệu cho chính mình, có thể bằng nhiều cách như tham gia những giải thưởng quốc tế, tập trung vào những giá trị mang bản sắc văn hóa... Họ sẽ không chỉ cạnh tranh với những KTS trong nước mà còn phải cạnh tranh với những KTS nước ngoài.
 
Tôi cũng hy vọng, với sự thay đổi đang đến, Việt Nam sẽ có những dự án, những công trình mang tính biểu tượng để đánh dấu nền kiến trúc Việt trên bản đồ thế giới.
 
Cảm ơn những chia sẻ của ông!