• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,11 +0,14/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,11   +0,14/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,57   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,35   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.301,52   +0,46/+0,04%  |   HNX30   475,60   +1,33/+0,28%
29 Tháng Mười Một 2024 4:04:03 SA - Mở cửa
Cổ phiếu chăn nuôi nuôi kỳ vọng với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 25/11/2024 8:45:00 SA

Tăng nóng theo giá heo trên cả nước, không chỉ các doanh nghiệp chăn nuôi báo cáo kết quả kinh doanh tích cực, mà trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu này cũng ghi nhận diễn biến khá tích cực từ đầu năm trước khi có xu hướng đi ngang trong thời gian gần đây.

Trong quý 3/2024, giá heo hơi dao động quanh mốc 65.000 đồng/kg, có lúc vọt lên đến gần 70.000 đồng. Nhờ đó, đa phần các doanh nghiệp thuộc nhóm chăn nuôi heo đều báo lãi tăng mạnh trong quý này.

Chăn nuôi heo lãi khủng trong quý 3

Điển hình, “ông lớn” Dabaco (DBC) báo lãi ròng quý 3 tới 312 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ. Dù mức nền so sánh là khá thấp, nhưng đây vẫn là mức lãi rất khủng của Dabaco, gần như ngang ngửa với thời kỳ 2020-2021.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Dabaco chủ yếu đến từ việc giá heo hơi liên tục tăng từ đầu năm đến nay khi thị trường thiếu hụt nguồn cung sau các đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF) và bão lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Đa phần các doanh nghiệp thuộc nhóm chăn nuôi heo đều báo lãi tăng mạnh trong quý 3/2024 nhờ giá heo tăng nóng.

Doanh nghiệp “heo ăn chay” CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cũng có quý tăng trưởng tốt với 60 tỷ đồng lãi ròng, tăng 54% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân là do doanh thu bán heo quý 3 gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt 856 tỷ đồng, chiếm 65% cơ cấu doanh thu, nhờ sản lượng bán heo tăng mạnh (163 ngàn con). Mặt khác, nhờ tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong khi giá nguyên liệu rẻ hơn, giá vốn của Nông nghiệp BAF chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, tương tự Dabaco, doanh nghiệp kiểm soát tốt ảnh hưởng của dịch bệnh, và cũng hưởng lợi từ việc giá heo hơi duy trì ở mức cao.

Mảng nông nghiệp của Hoà Phát (HPG) cũng có kết quả thuận lợi với doanh thu tăng 21%, lên hơn 1,8 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế 281 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Hai doanh nghiệp mảng chế biến cũng đạt kết quả tương đối tốt.

Cụ thể, Vissan (VSN) lãi 33 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí.

Còn Masan Meatlife (MML) lần đầu có lời sau 2 năm liên tục thua lỗ. Công ty cho biết, doanh thu từ mảng thịt ủ mát và thịt chế biến có sự tăng trưởng. Đồng thời, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lãi gộp.

Với Hoàng Anh Gia Lai (HAG), quý 3, doanh nghiệp lãi lớn với 332 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng lớn trong doanh thu lại là từ bán trái cây (chuối, sầu riêng). Tuy vậy, doanh thu lại giảm tương đối mạnh với 24%, chỉ đạt 1,4 ngàn tỷ đồng, trong đó doanh số bán heo giảm sâu nhất với 52%, chỉ đạt 234 tỷ đồng, theo sau là doanh thu bán trái cây 912 tỷ đồng, giảm 11% và chiếm 64% tỷ trọng tổng doanh thu.

Lũy kế sau 9 tháng, Dabaco lãi 530 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ; Nông nghiệp BAF lãi 214 tỷ đồng, gấp 4 lần; mảng nông nghiệp Hòa Phát lãi gấp hơn 7 lần, đạt 689 tỷ đồng. 

Riêng Masan Meatlife tuy vẫn lỗ 72 tỷ đồng, nhưng là sự phục hồi mạnh so với cùng kỳ lỗ 318 tỷ đồng. Hơn nữa, doanh nghiệp đặt mục tiêu lỗ sau thuế 400 tỷ đồng trong năm 2024, nên kết quả này có thể xem là thành công.

Chờ “sóng” cổ phiếu cuối năm

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu chăn nuôi cũng diễn biến tương đối tích cực trong thời gian qua. Tăng nóng theo giá heo trên cả nước, cổ phiếu DBC đã tăng hơn 31% kể từ đầu năm 2024 cho tới chốt phiên 21/6 đứng ở mức 36.800 đồng/cp - vùng đỉnh giá 2 năm của cổ phiếu “ông trùm” chăn nuôi lợn này. Mặc dù ghi nhận đà điều chỉnh sau đó nhưng với mức hiện tại, thị giá DBC vẫn không “hao hụt” là mấy so với thời điểm đầu năm.

Cùng thời gian, các cổ phiếu của “đại gia” chăn nuôi khác như HAG, BAF… cũng vươn lên mức đỉnh cao rồi điều chỉnh dần nhưng nhìn chung không bị giảm quá mạnh.

Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 4/2024 của doanh nghiệp chăn nuôi dự kiến sẽ tiếp tục ở mức tích cực nhờ giá heo hơi neo cao kết hợp với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm.

Chứng khoán DSC dự báo giá heo hơi sẽ duy trì ở mức cao trên 60.000 đồng/kg cho đến hết năm 2024 do nguồn cung heo khó có thể hồi phục ngay, khi việc tái đàn cần ít nhất 5 - 6 tháng để xuất chuồng, và nhập khẩu heo đang ở mức thấp.

Trong khi đó, giá ngũ cốc như ngô, đậu tương, lúa mì - nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã giảm khoảng 20% so với đầu năm nay. Hiện, giá ngô, đậu tương, lúa mì chiếm 80% chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Không chỉ vậy, nguồn cung heo có khả năng bị hạn chế trong quý 4 có thể kéo giá heo đi lên, và là cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp bảo vệ được đàn bứt phá.

Theo ông Ngô Cao Cường, CFO của Nông nghiệp BAF, dịch ASF khiến nhiều trang trại phải bán tháo heo (hay heo chạy dịch), làm nguồn cung tăng lên trong ngắn hạn, rồi sau đó không còn heo để tái đàn. Ảnh hưởng này còn nghiêm trọng hơn sau bão Yagi hồi cuối tháng 9 vừa qua, vì nước lũ mang đến nguy cơ dịch bệnh cao.

Bên cạnh đó, nhiều trại tại miền Bắc bị ngập úng lâu ngày dẫn đến hư hỏng trang thiết bị, thậm chí sập và phải xây mới. Quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian, ít nhất từ 6 tháng đến hơn 1 năm để hoàn tất chuẩn bị, chưa tính thời gian nuôi heo để tái đàn. Do vậy, nguồn cung heo trong giai đoạn sắp tới sẽ thiếu hụt.

Về dài hạn, sự thay đổi của Luật Chăn nuôi được đánh giá là yếu tố tác động tích cực tới doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong thời gian tới.

Cụ thể, Luật Chăn nuôi nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Luật quy định, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp (tức từ ngày 1/1/2025). Theo đó, hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa hoặc di dời, gây xáo trộn trong ngắn hạn. Trong khi các công ty lớn với chuỗi giá trị khép kín sẽ hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh không lành mạnh và tăng cường kiểm soát chất lượng, đồng thời mở rộng thị phần.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng cơ cấu sản xuất trong ngành này có sự dịch chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp (thị phần tăng từ 30% lên 50-60%). Nguyên nhân là do thị phần nông hộ giảm bởi dịch bệnh, thua lỗ trong giai đoạn 2018-2024 và các doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại đón đầu xu hướng theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi. Theo đó, Nông nghiệp BAF và Tập đoàn Dabaco được đánh giá là 2 doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn.

Hải Giang-Link gốc