Thông tin trái chiều giữa 2 nhóm lãnh đạo tại Hòa Bình Corp cho thấy những bất đồng trong nội bộ tập đoàn. Điều này làm gợi nhớ câu chuyện cũng trong ngành xây dựng là ông Nguyễn Bá Dương của Coteccons với nỗi đau từ cái bắt tay nghìn tỷ.
Mâu thuẫn nội bộ suốt nhiều năm tại Coteccons đã khiến doanh nghiệp này chìm trong khó khăn. Ảnh CTD
Ngày đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình Corp,
HBC) nhận được nhiều sự chú ý khi có những thông tin trái ngược về người nắm vị trí Chủ tịch Tập đoàn này.
Theo đó, trong khi 4 thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đề nghị ông Lê Viết Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu là ông Nguyễn Công Phú. Thì hướng ngược lại, ông Lê Viết Hải khẳng định việc doanh nhân này trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình hoàn toàn không trái pháp luật.
Thông tin trái chiều giữa 2 nhóm lãnh đạo tại Hòa Bình cho thấy những bất đồng trong nội bộ tập đoàn. Trong đó, nhóm ông Lê Viết Hải – nhà sáng lập tập đoàn dường như đang thất thế về số lượng thành viên HĐQT. Điều này làm gợi nhớ câu chuyện cũng trong ngành xây dựng là ông Nguyễn Bá Dương của CTCP Xây dựng Coteccons (
CTD) với nỗi đau từ cái bắt tay nghìn tỷ.
Bài học cay đắng
Ngược dòng về hơn một thập kỷ trước, khi thị trường bất động sản khó khăn do của cuộc khủng hoảng tài chính, sức ép lớn buộc Coteccons quyết định nhận đầu tư để đổi mới mô hình kinh doanh. Cụ thể vào năm 2012, Coteccons chấp nhận phát hành 10,43 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 24,7% cổ phần) cho Kusto Group với mức giá phát hành là 50.000 đồng/CP. Thương vụ mang về cho Coteccons hơn 520 tỷ đồng,.
Có sự giúp sức từ dòng vốn ngoại, Coteccons liên tục bứt phá với tăng trưởng doanh thu trung bình đạt tới 45%/năm. Những năm tháng đỉnh cao (2016 - 2018), lợi nhuận sau thuế trung bình tới 1.500 tỷ đồng - một con số khổng lồ đối với ngành xây dựng. Dù vậy kể từ đây, những bất đồng nội bộ đã manh nha.
Theo đó, sau khi tham dự vào Coteccons, Kusto Group phản đối rất nhiều triết lý kinh doanh của người đứng đầu, trong đó chính phương châm "tôi được 10 đồng, anh em được 7 đồng" và hệ sinh thái doanh nghiệp anh em đã trở thành điểm yếu để cổ đông ngoại công kích vị Chủ tịch với nghi ngại thiếu minh bạch và lợi ích nhóm. Cổ đông ngoại phản đối quyết định sáp nhập Ricons (công ty mà Coteccons chiếm giữ 15% cổ phần) vào Coteccons đồng thời liên tục đưa ra các dẫn chứng cho thấy, Coteccons đã bị "chảy máu" lợi ích khi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm, còn Ricons thì ngược lại.
Ngay cả triết lý dụng nhân của ông Nguyễn Bá Dương cũng không nhận được sự đồng tình của cổ đông chiến lược, mà còn là một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn càng gay gắt hơn. Nếu với ông Dương, “con người chính là tài sản quý giá nhất” và ông muốn phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, thì nhóm cổ đông ngoại lại không đồng ý với việc này và yêu cầu phải thay đổi chính sách ESOP.
Từ bất đồng quan điểm trong việc sáp nhập công ty liên kết, Kusto nhiều lần yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường, yêu cầu kiểm toán các công ty thành viên và đỉnh điểm là yêu cầu phế truất nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Coteccons và toàn bộ ban điều hành để bầu HĐQT mới. Cùng với Kusto, The 8th Pte Ltd (The8th) - một công ty có trụ sở tại Singapore và là một trong những cổ đông lớn nắm 10,42% vốn Coteccons cũng đã lên tiếng đề nghị bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương.
Hướng ngược lại, trong suốt quá trình mâu thuẫn, phía ông Nguyễn Bá Dương đã có nhiều đáp trả và cho rằng những cáo buộc vô căn cứ của Kusto gây ra những tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu
CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Theo ông Dương, lợi ích của Coteccons vẫn được bảo toàn trong hệ sinh thái chung và việc sáp nhập các công ty vào Coteccons là để gia tăng sức mạnh, như đã thành công với trường hợp Unicons.
Thậm chí, ông Nguyễn Bá Dương còn xin lỗi trước ĐHĐCĐ và nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận hy sinh hai cộng sự của mình là ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc và ông Trần Quyết Thắng – thành viên HĐQT độc lập để nhường chỗ cho 2 đại diện của phe đối lập vào HĐQT trước thềm ĐHCĐ 2020, song mẫu thuẫn vẫn không dừng lại.
Cho đến tháng 10/2020, cuộc chiến quyền lực của ông Nguyễn Bá Dương tại doanh nghiệp mà ông sáng lập mới chính thức chấm dứt khi đơn từ nhiệm của ông vì "lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình" được HĐQT nhanh chóng thông qua. Sau khi nhà sáng lập từ chức chủ tịch và không còn là cổ đông lớn công ty, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi. Chiều ngược lại, HĐQT thống nhất bầu ông Bolat Duisenov đảm nhận trọng trách này, trở thành Chủ tịch Coteccons kể từ ngày 5/10/2020.
Thời điểm dứt áo khỏi Coteccons sau 17 năm gây dựng, ông Dương từng chia sẻ: "Tôi cũng như các bạn, cũng có cảm giác chần chừ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro… Nhưng nếu không đương đầu với thách thức thì không thể lớn lên được, mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn".
Sau khi dứt tình với Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương gây dựng "đế chế" mới và đặc biệt xuất hiện nhiều tại 2 đơn vị là SOL E&C và Newtecons.
Trong đó, SOL E&C được tách từ khối thi công chống thấm thuộc F.D.C (tiền thân Newtecons), tên gọi ban đầu là S.M.A.R.T. Năm 2020, Công ty chính thức trở thành Tổng thầu Xây dựng SOL E&C với giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng. Tháng 4/2021, ông Dương lần đầu xuất hiện tại SOL với chức danh là Chủ tịch sáng lập, tuyên bố tham vọng trở thành doanh nghiệp xây dựng Top đầu Việt Nam. Ngoài ông Dương, SOL E&C còn có sự góp mặt của Tổng giám đốc là ông Lê Chí Trung, người từng làm Tổng giám đốc tại Unicons. Giám đốc điều hành là ông Ngô Thanh Phong, người từng làm Chánh văn phòng tại Coteccons.
Trong năm 2022, SOL E&C cho biết được công bố là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất ngành Xây dựng Việt Nam theo bảng xếp hạng FAST500 của VNR (tháng 4/2022), đồng thời ghi nhận doanh thu gần 4.500 tỷ đồng (tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Còn Newtecons được thành lập từ năm 2003 với chuyên ngành là thi công xây dựng công trình có quy mô vừa và nhỏ. Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Newtecons khi cùng Coteccons tham gia nhiều dự án lớn như Masteri Thảo Điền CT5, Vinhomes Thăng Long, D’.Capitale...Công ty cũng góp mặt thi công phần lõi thang tòa nhà The Landmark 81.
Đặc biệt, sau sự kiện tại Coteccons, Newtecons liên tục công bố thế chân Coteccons tại loạt dự án lớn như The Spirit Saigon (trung tâm quận 1), Lumiere Riverside (quận 2)…
Năm 2022, Newtecons đã cán mốc kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng vượt trội so với loạt nhà thầu còn lại trong bối cảnh thị trường nội địa đang co hẹp và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Với kết quả này, Newtecons đã có bước nhảy vọt lên Top 3 ngành, chỉ xếp sau Hoà Bình (kế hoạch 17.500 tỷ đồng) và Coteccons (kế hoạch 15.000 tỷ đồng).
Về phần mình, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons được thành lập vào năm 2004 với cái tên ban đầu là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia. Hiện tại, Chủ tịch HĐQT, kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Trần Quang Quân (SN 1973) – cựu thành viên HĐQT Coteccons (rời Coteccons vào tháng 6/2017) và cũng từng là trợ thủ đắc lực của ông Nguyễn Bá Dương. Ngoài ông Quân, ghế thành viên HĐQT của Ricons còn bao gồm một số lãnh đạo cũ của Coteccons như: Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT Coteccons giai đoạn tháng 6/2017 – tháng 6/2020); Trần Kim Long (nhân sự lâu nắm gắn bó với Coteccons tại nhiều vị trí chủ chốt). Mới đây, Ricons cũng lần đầu cán ngưỡng doanh thu 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng tổng doanh thu của Ricons, SOL E&C và Newtecons đã lên tới 24.500 tỷ đồng, thậm chí doanh nhân Nguyễn Bá Dương còn tuyên bố "đế chế" mới của mình gồm SOL E&C, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu.
Trong khi ông Nguyễn Bá Dương đang dần hái quả ngọt sau hai năm dứt áo ra đi, thì Coteccons lại đang đối diện nguy cơ lung lay vị thế trong quá trình thực hiện nhiều tham vọng mới dưới thời Kusto cùng kết quả kinh doanh sụt giảm do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.