Việc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được bắt đầu từ hôm nay (3/1) và sẽ kết thúc vào ngày 15/3.
Theo Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng lấy ý kiến gồm: các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Hình thức lấy ý kiến, gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, có 12 nội dung được đề xuất lựa chọn xin ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai (sửa đổi); trong đó có các nội dung như chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại.
Nguyên tắc "đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.
Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm. Nguyên tắc và phương pháp định giá đất. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày hôm nay (3/1/2023) và kết thúc vào ngày 15/3/2023.