Người khổng lồ năng lượng Nga - Tập đoàn Gazprom tự tin cho rằng tình hình kinh doanh của họ sẽ sớm đạt đỉnh cao mới trong năm 2023.
Hãng tin Bloomberg sau khi trích dẫn một tuyên bố từ Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga - ông Alexei Miller đã cung cấp con số thống kê đáng lo ngại.
Theo đó, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Gazprom trong năm 2022 đã giảm gần 50%, xuống chỉ còn 100,9 tỷ m3. Đây là hoạt động kinh doanh bên ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô cũ
Con số trên là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2000, tình trạng như vậy có nguyên nhân từ sự kết hợp của nhiều sự kiện, bao gồm cả việc Nga cắt giảm sản lượng qua các đường ống dẫn khí đến châu Âu sau một loạt lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.
Một lý do không kém phần quan trọng khác là việc EU quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi từ khí đường ống sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chở bằng tàu biển từ Mỹ sang nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Trong bài phát biểu cuối năm 2022, ông Miller lưu ý nhu cầu khí đốt toàn cầu đã giảm 65 tỷ m3 trong năm nay, với 55 tỷ m3 thuộc về châu Âu. Nhưng trong tương lai, nhu cầu đối với “năng lượng xanh” trên toàn cầu chắc chắn sẽ tăng và Gazprom đã có sự chuẩn bị sẵn.
Nói cách khác, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom đã sẵn sàng cho sự thay đổi 180 độ khi tình hình kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn trong năm 2023.
Giới phân tích dự đoán sự biến động của việc thay đổi chuỗi cung ứng lâu dài, lệnh trừng phạt đối với một nửa số nhà cung cấp trên thị trường năng lượng sẽ khiến nhu cầu tăng vọt, và Nga có thể “đi tắt đón đầu” nhằm chớp thời cơ.
Ngoài ra nhiều dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ chiếm 40% mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt thế giới, gấp đôi so với mức 20% hiện tại. Gazprom dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội này, tập đoàn năng lượng Nga có kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 48 tỷ m3.
Là một phần trong chiến lược xoay trục năng lượng của Nga sang châu Á, Tổng thống Vladimir Putin thông báo mỏ khí đốt Kovykta lâu đời ở phía Đông Siberia sẽ là nguồn cung cấp khí đốt chủ đạo cho Trung Quốc.
Trữ lượng của mỏ khí nói trên được ước tính đạt tới con số khổng lồ 1,8 nghìn tỷ m3 - lớn nhất tại khu vực Đông Siberia, đủ cung cấp cho nhu cầu trong và ngoài nước thời gian dài.
Ngoài ra tờ Bloomberg còn trích dẫn lời ông Matthew Chadwick - nhà phân tích hàng đầu tại công ty phân tích Cornwall Insight, dự đoán giá khí đốt cao có thể tiếp tục ở châu Âu cho đến năm 2030.
Mặc dù việc giao "nhiên liệu xanh" từ Nga đã bị đình chỉ vào mùa hè năm ngoái, một số quốc gia châu Âu vẫn nhận được khối lượng nhất định, điều này cho phép họ dự trữ nguyên liệu thô cho mùa Đông tới.
Tuy nhiên khó có khả năng các đường ống dẫn khí giữa Nga và châu Âu tiếp tục hoạt động vào mùa hè này. Theo ông Chadwick, giá khí đốt có thể duy trì ở mức cao kỷ lục trong 7 năm nữa.
Nhà phân tích nói thêm, thị trường vẫn chưa thể thích ứng với những thay đổi trong động lực của cung và cầu. Vấn đề đặc biệt cần lưu ý đó là giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong năm 2022 lên tới mức 1.260,8 USD/1.000 m3.
Mặc dù vậy, giới quan sát cũng nhắc nhở về thực tế đang diễn ra, đó là mức giá “nhiên liệu xanh” tại châu Âu thời điểm đầu năm 2023 đã quay về trước ngày 24/2/2022, điều này cho thấy những dự đoán về thời kỳ “tăng phi mã” của khí đốt trong năm nay chưa chắc đã chính xác.