Bulgaria đang tiến hành đàm phán hợp đồng mua tầm 1 tỷ m3/năm khí đốt từ những kho cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ. LNG sẽ được nhập khẩu từ kho cảng ở Hy Lạp và tái hóa về dạng khí ở Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi giao đến cho Bulgaria.
Đa dạng hóa nguồn cung
Ông Rosen Hristov - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, quốc gia này đang trải qua tiến trình đàm phán để mua thêm LNG tái xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, Bulgaria đã đặt hàng được 1 tỷ m3/năm. LNG sẽ được trữ tại những kho chứa nổi được neo ở gần cảng Alexandroupolis của Hy Lạp, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024. Tuy nhiên, Bulgaria vẫn đang cần thêm 1 tỷ m3/năm.
Trong khi đó, cảng LNG hiện được neo tại đảo Revithoussa của Hy Lạp đã quá đầy, gây khó khăn cho việc bổ sung thêm trữ lượng khí đốt. Theo Bulgaria, họ chỉ có thể đặt hàng LNG thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ có khả năng tái khí hóa LNG từ những kho cảng của họ trước khi xuất khẩu.
Vào tháng 6/2022, công ty vận tải dầu khí BOTAŞ (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tiến hành thử nghiệm hoạt động tái hóa và tái xuất khẩu khí, được nhập vào kho cảng Marmara dưới dạng LNG, sang Bulgaria. Công ty đã sử dụng mạng lưới đường ống của mình để vận chuyển LNG. Nhờ vậy, họ sẽ vận chuyển được tới 9 triệu m3/ngày đến xã Malkoclar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về hoạt động vận chuyển và thương mại khí đốt. Do đó, Bulgaria hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận kéo dài ít nhất 13 năm với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, BOTAŞ cho biết, Bulgaria và Hy Lạp cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tận dụng hết khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lệ thuộc năng lượng
Thổ Nhĩ Kỳ từng vận chuyển khí đốt của Nga đến Bulgaria, thông qua đường ống khí đốt TurkStream. Tương tự, thông qua đường ống TANAP, Thổ Nhĩ Kỳ đưa khí đốt từ Azerbaijan đến Hy Lạp. Đất nước này cũng muốn tái xuất khẩu sản lượng LNG mà họ đã tái khí hóa.
Như vậy, hoạt động tái xuất khẩu LNG của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Bulgaria tìm được nguồn cung đáp ứng cho 30% nhu cầu tiêu thụ tại nước họ. Hy Lạp sẽ đáp ứng thêm 30% nhu cầu. Và phần còn lại sẽ đến từ Azerbaijan.
Từ khi từ chối thanh toán lô hàng của Nga bằng đồng rúp, Bulgaria đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông này. Mặt khác, hợp đồng khí đốt giữa hai công ty Bulgargaz (Bulgaria) và Gazprom Export (Nga) sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Hai bên cũng không còn ký thỏa thuận mới nào.
Trên thực tế, Bulgaria lệ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt của Nga. Công ty phân phối khí đốt Gazprom Export từng cung cấp cho Bulgaria tận 2,9 tỷ m3/năm. Hơn nữa, trong mùa hè vừa qua, Bulgaria cũng đã phải mua khí đốt với giá “cao chọc trời”. Vào hôm 29/8, giá khí đốt chạm đỉnh cao kỷ lục với mức giá 319,98 euro/MWh.