Ngày 2/1, Tesla công bố báo cáo sản xuất và giao xe quý IV/2022 đạt mức kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn dự đoán của Phố Wall do các áp lực logistics, lãi suất tăng và nhu cầu chậm lại.
Cụ thể theo CNBC trích dẫn số liệu mới nhất của nhà sản xuất xe điện Tesla, trong quý IV/2022, sản lượng của hãng rơi vào mức 439.701 xe trong khi tổng lượng giao hàng là 405.278. Điều này sẽ khiến tổng sản lượng hàng năm của công ty trong năm 2022 là 1.37 triệu chiếc và tổng lượng giao hàng hàng năm là 1,31 triệu chiếc.
Về chi tiết, Tesla cho biết trong quý IV/2022, số lượng giao hàng của mẫu xe sedan Model 3 cấp thấp và mẫu crossover Model Y lên tới 388.131 chiếc, trong khi số lượng xe sedan Model S và SUV Model X cao cấp hơn lên tới 17.147 chiếc.
Tesla cũng bắt đầu sản xuất tại hai nhà máy mới trong năm nay là nhà máy Austin, Texas và nhà máy Brandenburg, Đức. Đồng thời, công ty cũng tăng cường sản xuất ở Fremont, California và Thượng Hải. Tuy nhiên, Tesla không tiết lộ số lượng sản xuất và giao hàng theo từng khu vực.
Các con số về lượng giao hàng chi tiết là một trong những chỉ báo chính xác nhất về doanh số bán hàng được Tesla tiết lộ. Nhờ các con số này của năm 2022, Tesla đã đạt được một kỷ lục mới với mức tăng trưởng 40% về số lượng xe được giao hàng năm.
Tuy nhiên, các số liệu của quý IV vẫn thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích phố Wall. Tính tới 31/12/2022, FactSet đã tổng hợp các ước tính đã được đồng thuận của nhiều nhà phân tích cho thấy Tesla được dự đoán sẽ giao được 427.000 xe trong quý IV/2022.
Trong một thông báo tới cổ đông hồi quý III/2022, Tesla đã từng khẳng định trong vòng nhiều năm tới, công ty kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng trung bình trong lượng giao xe hàng năm là 50%. Tuy nhiên, hãng giải thích tốc độ tăng trưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công suất thiết bị, thời gian hoạt động của nhà máy, hiệu quả hoạt động, năng lực và sự ổn định của chuỗi cung ứng”.
Trên thực tế trong quý IV/2022, Tesla chịu khá nhiều ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid ở Trung Quốc khiến công ty phải tạm ngừng và giảm sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải.
Ngoài ra do nhu cầu suy yếu, Tesla cũng phải đưa ra các đợt giảm giá mạnh cũng như các chương trình khuyến mãi tại Mỹ, Trung Quốc và các thị trường lớn để kích cầu. Việc này có thể gây áp lực lên lợi nhuận của hãng.
Một số nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại về nhu cầu suy yếu với xe điện của Tesla - loại xe vốn tương đối đắt trên thị trường so với các xe hybrid hoặc xe chạy hoàn toàn bằng điện xuất hiện ngày càng phong phú từ các đối thủ cạnh tranh.
Thêm vào đó, năm 2022 cũng là một năm khó khăn với Tesla khi cổ phiếu của công ty giảm hơn 45% trong vòng 6 tháng qua và là một trong các cổ phiếu hoạt động kém nhất trong chỉ số S&P 500. Nhiều chuyên gia khẳng định một trong số nguyên nhân tới từ việc CEO Elon Musk mua lại Twitter.
Hồi tháng 10/2022, ông Musk chính thức tiếp quản nền tảng mạng xã hội Twitter với mức giá 44 tỷ USD. Việc ông thực hiện nhiều thay đổi sâu rộng với nền tảng này đã gây ra nhiều sự tranh cãi và khiến nhiều công ty tuyên bố không sử dụng Twitter để quảng cáo sản phẩm của mình nữa.