Trong khuôn khổ cải cách lĩnh vực tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia sẽ nắm quyền quản lý tài sản tiền điện tử trong 2 năm tới, thời điểm một sàn giao dịch tiền điện tử đã được thiết lập.
Indonesia có kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2023 trước khi chuyển quyền
quản lý đối với loại tài sản này từ Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) sang Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA).
Ngày 4/1, người đứng đầu Bappebti, ông Didid Noordiatmoko cho biết tài sản tiền điện tử ở Indonesia hiện được giao dịch cùng với các hợp đồng hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan này.
Trong khuôn khổ cải cách lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn, FSA sẽ nắm quyền quản lý tài sản tiền điện tử trong 2 năm tới, thời điểm một sàn giao dịch tiền điện tử đã được thiết lập.
Indonesia ủng hộ các tài sản tiền điện tử mặc dù cảnh giác trước sự cạnh tranh của tiền điện tử với đồng rupiah, đồng tiền hợp pháp duy nhất ở quốc gia này.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã phát hành Sách trắng về đồng tiền kỹ thuật số của mình, trong khi một điều luật được thông qua mới đây công nhận tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số là những cổ phiếu tài chính hợp pháp.
Các nhà đầu tư mới vẫn đổ xô vào thị trường tiền điện tử ngay cả khi hoạt động thị trường sụt giảm mạnh vào năm 2022.
Tính đến hết tháng 11/2022, Indonesia có 16 triệu nhà đầu tư tiền điện tử, tăng so với mức 11,2 triệu vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, giá trị giao dịch chỉ còn khoảng 300.000 tỷ rupiah (19,2 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 859.000 tỷ rupiah hồi năm trước.
Cho tới nay, có 383 tài sản tiền điện tử và 10 đồng tiền kỹ thuật số địa phương được phép giao dịch ở Indonesia, trong khi 151 tài sản tiền điện tử và 10 đồng tiền số khác đang được Bappebti xem xét./.