Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif ngày 3/1 cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu toàn bộ các trung tâm thương mại và khu chợ, kể cả nhà hàng, phải đóng cửa vào lúc 20h30 hàng ngày.
Đây chỉ là một trong số nhiều biện pháp của kế hoạch tiết kiệm năng lượng mới được quốc gia Nam Á này áp dụng trong bối cảnh đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tình trạng mất điện ở Pakistan. Ảnh: AP
Phát biểu với phóng viên, Bộ trưởng Khawaja Asif cho biết, các biện pháp mới đã được nội các thông qua nhằm mục đích giúp Pakistan tiết kiệm khoảng 62 tỷ rupee Pakistan (273 triệu USD). Theo ông Asif, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã yêu cầu tất cả các bộ ban ngành chính phủ phải giảm 30% lượng điện năng tiêu thụ. Đáng chú ý, kế hoạch tiết kiệm năng lượng của Pakistan cũng bao gồm việc cấm sản xuất bóng đèn và quạt không tiết kiệm năng lượng lần lượt từ tháng 2 và tháng 7 tới đây.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Pakistan đang tìm cách trấn an người dân trong nước và các thị trường quốc tế về khả năng vỡ nợ trong bối cảnh gói cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang bị mắc kẹt do những khác biệt trong lần đánh giá chương trình thứ 9, vốn dự kiến phải hoàn tất từ tháng 11/2022.
Do các nguồn tài chính song phương và đa phương quan trọng khác của Pakistan cũng kết nối với chương trình của IMF, đồng nghĩa quốc gia Nam Á với dân số 220 triệu người này hiện khó có thể đáp ứng nhu cầu tài chính bên ngoài lên tới 30 tỷ USD từ nay đến tháng 6/2023, gồm các khoản nợ đến hạn và để nhập khẩu năng lượng.
Hầu hết nguồn điện năng ở Pakistan được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, với giá cả tăng vọt trong những tháng gần đây. Chính phủ Islamabad đã tìm cách bình ổn nền kinh tế bằng cách hạn chế nhập khẩu và kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Đồng nội tệ mất giá nhanh cũng khiến nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn trong khi giá tiêu dùng đã tăng 25% trong nửa đầu tài khóa hiện tại so với cùng kì năm trước ở Pakistan.