Sáng 10/10, tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Lai Châu II tổ chức hội nghị Đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động với người lao động và người dân góp đất năm 2023.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Lai Châu II giải đáp những thắc mắc của người dân
Dự hội nghị có ông Nguyễn Thành Đồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn; Nguyễn Xuân Phú – Tổng Giám đốc Công ty CPCS Lai Châu II; Nguyễn Hữu Phước – Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Lai Châu II; lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể huyện, các nông trường cao su, công nhân, bí thư, trưởng bản, người dân góp đất…
Công ty hiện quản lý 4.726,61ha cao su, trong đó khai thác 3.795,765ha, vườn cây kiến thiết 924,372ha; trên địa bàn 3 huyện: Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Mường Tè. Tổng số 1.031 lao động (lao động trực tiếp 972 người, gián tiếp 59 người); riêng tổng số lao động của 2 nông trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn là 326 người. Trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty tiến hành chi trả tiền lương tổng số tiền 27,788 tỷ đồng; thu nhập bình quân 4,439 triệu đồng/người/tháng; trích đóng bảo hiểm 5,44 tỷ đồng; tổ chức mua sắm, trang bị bảo hộ lao động 439 triệu đồng; thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ 127 triệu đồng; giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH người lao động là 89 người, số tiền 612 triệu đồng. Sản lượng khai thác 9 tháng là 1.991 tấn mủ.
Nhân dân xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn tham gia ý kiến tại hội nghị đối thoại.
Ngoài ra, công ty sửa chữa đường lô, đường liên lô 125 km, làm đường zíc zắc trong vườn cao su 30 km, làm nhà ở cho công nhân 100m2, lắp đặt năng lượng mặt trời tại các nhà, lán công nhân 23 bộ, kéo đường nước sinh hoạt 7,5 km…
Tổng diện tích đất góp của người dân vào công ty là 6.553,64ha, trong đó diện tích đất góp của người dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 3.118,43ha theo địa giới hành chính (diện tích được cấp giấy chứng nhận cho người dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn 2.789,03ha, diện tích được cấp giấy cho người dân xã Chăn Nưa xâm canh 329,40ha). Tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công ty đã ký kết hợp đồng chính thức với người dân 3.103,52ha, còn 14,91ha chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã chi trả cho người dân là 23 tỷ 457 triệu đồng, trong đó địa bàn huyện Nậm Nhùn là 8 tỷ 025 triệu đồng…
Tại Hội nghị, có 31 ý kiến (18 ý kiến qua lấy phiếu ý kiến, 13 ý kiến trực tiếp) của chính quyền và hộ dân góp đất, người lao động có đề xuất, kiến nghị về việc cấp bảo hộ lao động; cấp thêm lưỡi dao cạo cho công nhân; tăng đơn giá thu mua sản phẩm; vấn đề tăng nhát cạo gây khó khăn cho công nhân; hỗ trợ phát dọn thực bì 1 năm/1 lần; nhiều hộ xã Nậm Hàng có góp đất vào công ty nhưng đến nay chưa nhận được tiền phân chia; trả lại những diện tích đất không sử dụng để người dân canh tác…
Công nhân Nông trường cao su Nậm Nhùn phát biểu ý kiến
Các ý kiến được ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Lai Châu II cùng Nông trường cao su Nậm Nhùn trả lời trực tiếp trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị. Việc cấp lưỡi dao cạo, bảo hộ lao động được thực hiện định kỳ và hiện công ty đã trang bị cho công nhân năm 2023. Vấn đề tăng nhát cạo nhằm tăng sản lượng, thu nhập cho công nhân. Đối với việc hộ dân chưa được nhận tiền phân chia sản phẩm do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ông Nguyễn Xuân Phú – Tổng Giám đốc Công ty CPCS Lai Châu II ghi nhận ý kiến thẳng thắn của người dân góp đất, công nhân gửi đến Công ty
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Đồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn; Nguyễn Xuân Phú – Tổng Giám đốc Công ty CPCS Lai Châu II ghi nhận ý kiến thẳng thắn của người dân góp đất, công nhân gửi đến Công ty. Đồng thời nhấn mạnh, ngành cao su đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá mủ giảm mạnh, chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây tăng cao. Rất mong công nhân, hộ dân góp đất cùng người lao động chia sẻ với Tập đoàn và Công ty CPCS Lai Châu II.
Ông Nguyễn Thành Đồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn phát biểu tại hội nghị.
Qua các ý kiến sẽ là cơ sở xây dựng các kế hoạch, các phương án để công ty lãnh, chỉ đạo giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Người lao động và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân góp đất theo quy định. Từ đó tạo sự công khai, minh bạch, thúc đẩy mối quan hệ giữa Công ty với người lao động, giữa Công ty với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp và người dân góp đất trồng cao su ngày càng hài hòa, ổn định, tạo tiền đề cho Công ty ngày càng phát triển bền vững…