Từ máy bay trực thăng theo yêu cầu đến siêu du thuyền tư nhân, sức chi tiêu của những du khách siêu giàu có thể là chìa khóa để hồi sinh các khu vực du lịch ở Nhật Bản nhằm mang lại sự thúc đẩy cần thiết trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo những người trong ngành, những du khách sang trọng muốn khám phá các khu vực ngoài các điểm du lịch cổ điển như Tokyo, Kyoto và Osaka mang đến cơ hội cho những điểm đến ít được biết đến hơn để giới thiệu nền văn hóa độc đáo của xứ Phù Tang.
"Khía cạnh quan trọng nhất của quá trình hồi sinh khu vực là tìm ra cách khuyến khích người giàu tiêu tiền một cách hiệu quả và chỉ có hai cách để làm điều đó. Một là thông qua du lịch và hai là tận dụng thế mạnh của mỗi tỉnh", ông Shintaro Masuda, người sáng lập và CEO của Blank Marketing & Management Ltd chia sẻ.
Công ty liên doanh có trụ sở tại tỉnh Mie là nhà phát triển ứng dụng có tên Airc, cho phép các chuyến bay trực thăng theo yêu cầu giữa nhiều địa điểm khác nhau ở Nhật Bản, gần giống như đặt một chiếc Uber.
Chẳng hạn, những người muốn tránh giao thông ở Tokyo và đến Núi Phú Sĩ trong 30 phút có thể mở ứng dụng và đặt một chiếc trực thăng riêng từ Tokyo đến Kawaguchiko. Ứng dụng sẽ đảm nhiệm mọi việc sắp xếp, bao gồm cả việc di chuyển từ vị trí hiện tại của khách hàng đến sân bay trực thăng.
Giao diện của ứng dụng Airc sau khi đặt thành công một chiếc trực thăng. Ảnh: The Manichi
Blank Marketing & Management cũng đang phát triển một nền tảng dự kiến phát hành vào mùa hè tới nhằm đơn giản hóa những rắc rối trong việc sắp xếp chỗ ở, đặt nhà hàng và sắp xếp các hoạt động thông qua hệ thống trò chuyện tương tác.
Ví dụ, nếu người dùng muốn ăn nhím biển, ứng dụng sẽ có thể xác định những nhà hàng tốt nhất trên toàn quốc, vạch ra lộ trình và thậm chí thực hiện tất cả các đặt chỗ cần thiết để đến địa điểm đã chọn, ông Masuda cho biết.
Ông nói thêm: "Những du khách sang trọng muốn nhìn thấy những thứ mà họ thường không thể nhìn thấy hoặc trải nghiệm. Ứng dụng sẽ có thể đáp ứng mong muốn trải nghiệm mọi thứ một cách tự nhiên của họ, chẳng hạn như khi họ bắt gặp điều gì đó trên mạng xã hội".
Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản định nghĩa “du khách có giá trị cao” là những người chi tổng cộng 1 triệu yên (7.000 USD) trở lên cho mỗi lần đến Nhật Bản.
Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, khách du lịch có giá trị cao từ sáu quốc gia – Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia và Trung Quốc – năm 2019 chỉ chiếm 1% tổng số du khách đến Nhật Bản nhưng đóng góp tới 11,5% tổng chi tiêu du lịch.
Nhận thấy giá trị của du lịch hạng sang, chính quyền thủ đô Tokyo đã tham gia nhiều triển lãm thương mại khác nhau, chẳng hạn như sự kiện du lịch hạng sang ILTM Cannes hàng đầu và hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để phát triển nội dung phục vụ khách du lịch cao cấp.
Shigeki Yamaguchi, Giám đốc bán hàng của thành phố, cho biết, ngoài lợi ích kinh tế, du khách giàu có từ nước ngoài còn “cải thiện hình ảnh của thành phố thông qua tầm ảnh hưởng của họ, góp phần tăng trưởng lượng du khách”.
Chính phủ Nhật Bản mong muốn mức chi tiêu hàng năm của khách du lịch trong nước, vốn đã giảm trong đại dịch COVID-19 sau khi đạt 4,8 nghìn tỷ yên (785,6 tỷ đồng) vào năm 2019, sẽ đạt 5 nghìn tỷ yên (818,447 tỷ đồng) càng sớm càng tốt và đặc biệt tập trung vào việc thu hút người có thu nhập cao ghé thăm.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã nới lỏng các quy định đối với các chuyến bay bằng máy bay tư nhân vào ngày 1/6, rút ngắn thời gian cần thiết để xin phép hạ cánh ở Nhật Bản từ ít nhất 10 ngày trước khi đến xuống còn 3 ngày.
Động thái này diễn ra sau một cuộc cải tổ quy định đối với những người đến Nhật Bản bằng tàu du lịch tư nhân vào năm 2021, bao gồm việc loại bỏ yêu cầu các siêu du thuyền phải khai báo hàng hóa và số lượng thành viên thủy thủ đoàn trên tàu mỗi khi họ ghé cảng, chỉ thực thi các biện pháp đó khi họ vào cảng và rời khỏi đất nước.
Công ty SYL Japan, công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn cho các siêu du thuyền cập cảng Nhật Bản, đã thuyết phục chính phủ nới lỏng các quy định bằng cách tán thành lợi ích kinh tế của các chuyến tham quan du thuyền mang cờ nước ngoài.
Kenta Inaba, chủ tịch SYL Nhật Bản, cho biết: “Người ta nói rằng khi một con tàu ở lại một ngày, nó sẽ đóng góp từ 10.000 đến 15.000 USD cho nền kinh tế đất nước. Vì vậy, sẽ rất lý tưởng nếu mỗi con tàu ở lại càng lâu càng tốt”.
Siêu du thuyền cũng là một cách để tăng chi tiêu ở những thiếu các hình thức lưu trú như khách sạn sang trọng và cơ sở hạ tầng khác cho khách du lịch, hỗ trợ mục tiêu của chính phủ là tăng số lượng khách du lịch cao cấp ở những nơi xa xôi.
Trong nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của các hòn đảo xa xôi của Tokyo, chính quyền thủ đô cho biết họ đã cử nhân viên đến nghiên cứu và học hỏi từ các cơ sở bến cảng ở Địa Trung Hải, khu vực đến phổ biến của các siêu du thuyền.
Trong khi đó, Cơ quan Du lịch Nhật Bản mới đây đã lựa chọn 11 địa điểm trong khu vực để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ dành cho người giàu.
Nhưng có những lo ngại rằng, trong khi cung cấp những trải nghiệm độc quyền cho khách hàng và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, du lịch xa xỉ cũng có thể gây suy thoái môi trường, gián đoạn văn hóa và thương mại hóa quá mức các điểm đến.