Chia sẻ tại tọa đàm “Chính sách, pháp luật cổ phần hóa - những vấn đề đặt ra”, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn những “vùng xám”, song, không nên vì thế mà dừng lại việc cổ phần hóa.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu, cổ phần hóa là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái. Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022.
Về thoái vốn, trong năm 2021, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Năm 2022, thoái vốn nhà nước tại 01 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 04 doanh nghiệp (trong đó 03 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 01 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 07 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tổng giá trị dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 21.827 tỷ đồng (bao gồm dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2023-2025 là 16.979 tỷ đồng và số thu từ bán vốn nhà nước năm 2021, 2022 là 4.848 tỷ đồng).
Lũy kế năm 2021-2022, số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã tất toán các tài khoản của Quỹ tại Sở Giao dịch Kho bạc nhà nước ngày 10/05/2022; số thu từ bán vốn nhà nước năm 2022 là 3.848 tỷ đồng (trong đó thu của ngân sách trung ương là 2.511 tỷ đồng, thu của ngân sách địa phương là 1.338 tỷ đồng).
Đánh giá về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Chúng ta không nên chỉ xét về giai đoạn, mà nhìn rộng hơn bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp hoạt động tốt, một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hóa rất khó, khó lý thuyết theo kế hoạch đơn thuần”.
Dù có những “vùng xám”, song theo ông Phan Đức Hiếu, không nên vì thế mà dừng lại việc cổ phần hóa. “Cổ phần hóa đặt trong bối cảnh tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng, cần tiếp tục thực hiện. Vấn đề là phải khắc phục vùng tối và phải nhìn rộng ra mục tiêu của cổ phần hóa, đó là có những việc Nhà nước không làm mà nhường cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nhận định, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm; đồng thời, tạo ra được một “làn sóng” thu hút đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân.
TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, số lượng doanh nghiệp chưa cổ phần hóa đã giảm rất căn bản. Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức xã hội về doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa góp phần làm thay đổi thể chế của nhà nước về quản lý doanh nghiệp, tạo ra sức sống mới cho một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.