Với kỳ vọng kết quả kinh doanh đã tạo đáy, nhất là trong giai đoạn cuối năm 2023, nhóm cổ phiếu thép liên tục được dòng tiền quan tâm ưu ái. Tuy nhiên, một số tín hiệu đang cho thấy nhóm này vẫn chưa thực sự qua “cơn bĩ cực”.
Sau khi giảm sâu trong năm 2022, giá nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành thép có diễn biến đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023 và bật tăng kể từ đầu tháng 6 đến nay, nhất là các mã HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), NKG (Thép Nam Kim), TVN (Tổng công ty Thép Việt Nam). Đáng chú ý, cổ phiếu HPG còn liên tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.
Kỳ vọng tích cực vào cuối năm
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép thậm chí còn bất chấp cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn mang sắc màu ảm đạm.
Từ tháng 6/2023, giá nhiều mã cổ phiếu thép đã bật tăng mạnh mẽ.
Hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định, nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại, giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua và các dấu hiệu phục hồi đang xuất hiện. Điều đó giúp cổ phiếu nhóm cổ phiếu này tăng giá mạnh so với thị trường chung.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép từ tháng 6/2023 đã có dấu hiệu tăng tích cực. Đáng chú ý, trong tháng 9 vừa qua, sản lượng thép đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Đây là lần đầu tiên, bán hàng thép xây dựng tăng trưởng dương trong năm nay, cho thấy khả năng tiêu thụ thép xây dựng đã có sự cải thiện tích cực. Dự báo nhu cầu thép trong nước sẽ dần cải thiện hơn nữa với động lực tăng trưởng là đầu tư công.
Không chỉ ở thị trường trong nước, xuất khẩu thép cũng gặp thuận lợi, nhất là khi bất động sản tại Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định trở lại, là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thép.
Cùng với hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023, nhiều chuyên gia chung nhận định ngành thép sẽ tăng trưởng tích cực trở lại vào cuối năm 2023.
“Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, ngành sản xuất thép được kỳ vọng sẽ vượt khó trong giai đoạn cuối năm và khẳng định vị thế là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV nhấn mạnh.
Theo đó, nhóm cổ phiếu thép cũng được nhiều chuyên gia xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng nửa cuối năm 2023.
Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research Đào Minh Châu kỳ vọng nửa cuối năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi lượng bán hàng đã cải thiện, nhất là kênh xuất khẩu. Các công ty cũng không còn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái.
Chưa qua “cơn bĩ cực”?
Tuy nhiên, có thể thấy, dù sản lượng bán hàng thép xây dựng trong nước tháng 9 được ghi nhận cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhưng lũy kế 9 tháng năm 2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong nước chỉ đạt hơn 7,7 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022, bán hàng đạt 7,73 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Bởi, tuy sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, nhưng một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam hay các dự án sân bay mới và các dự án đầu tư công khác đang được triển khai, đẩy nhanh tiến độ.
Việc thị trường tiêu thụ ảm đạm được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong nước cũng giảm theo. Trong báo cáo tài chính quý III/2023 được công bố mới đây, nhiều doanh nghiệp thép cho thấy vẫn chưa thể thoát “vũng lầy” thua lỗ, sụt giảm doanh thu và lợi nhuận do tiêu thụ kém.
Doanh nghiệp thép lỗ quý III nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) với doanh thu gần 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, lỗ trước thuế 193 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 22 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp báo lỗ. Đây cũng là doanh nghiệp lỗ 9 tháng nặng nhất.
CTCP Thép Vicasa – Vnsteel (VCA) đạt doanh thu thuần quý III gần 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thua lỗ gần 3 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng báo lỗ như CTCP Thép Thủ Đức – VNSteel (TDS) lỗ 491 triệu đồng, CTCP Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB) lỗ 2,73 tỷ đồng...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho rằng những tháng cuối năm, ngành thép vẫn trông chờ vào các dự án đầu tư công.
Đồng quan điểm, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc VNSteel cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nợ để tiếp tục tồn tại trong thời gian tới. Việc phát triển dự án mới của khối tư nhân rất hạn chế. Ngành thép vẫn chỉ kỳ vọng vào các dự án đầu tư công.
Theo các công ty chứng khoán, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã "thoát đáy" và đang chờ cú hích để đi lên. Lý do chủ yếu là nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, ngành bất động sản và xây dựng vẫn chưa khả quan, chưa phục hồi trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn khó khăn dù lãi suất giảm mạnh, cơ chế chính sách dần được tháo gỡ.
Thực tế, hiệu quả từ những chính sách của Chính phủ vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Điển hình như gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong khi đó, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023. Chưa kể sản lượng bán ra không tăng trưởng có thể tiếp tục cản trở doanh thu của doanh nghiệp trong những tháng tới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023 dựa trên 2 tiêu chí. Đó là nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Tuy nhiên, một chuyên gia lưu ý, việc cho rằng bất động sản được phục hồi trong năm 2024 e là vẫn còn quá sớm. Nếu dựa vào chu kỳ lên xuống trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, và cổ phiếu thép mới thực sự hết “lạnh”.
Hải Giang