Ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền. Từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường giảm hơn 60%.
Niên vụ mía 2022-2023 đã kết thúc với diện tích trồng, sản lượng mía được ép và sản lượng đường đều tăng so với hai niên vụ trước. Điều đó cho thấy, ngành mía đường Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài ảm đạm. Ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền. Từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường giảm hơn 60%. Diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm dưới tác động chung của giá đường thế giới và chịu tác động trực tiếp từ đường giá rẻ nhập lậu qua biên giới.
Qua báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động cho thấy, tổng diện tích trồng mía niên vụ 2022-2023 là 141.906 ha, tăng 17.151 ha so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 69,3 tấn/ha. Trong tháng 6/2023, ngành đường nước ta đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ ép được 9.714.224 tấn, sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 129% và sản lượng đường đạt 126%. Và so sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Sự tăng trưởng trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể. Không những vậy, trong vụ ép 2022-2023, ngành đường đã thực hiện tốt mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.
Mặc dù vậy, niên vụ 2022-2023, ngành mía đường vẫn tiếp tục đối phó vấn nạn đường nhập lậu. Dựa trên dữ liệu của Tổng cục Hải quan và Ủy ban mía đường Thái Lan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính lượng đường nhập lậu trong năm 2021 là hơn 501 nghìn tấn và năm 2022 là 816.544 tấn. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và phát hiện hoạt động gian lận thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên, tổng lượng đường của các vụ việc phát hiện chỉ chiếm chưa đến 5% lượng đường nhập lậu ước tính.
Đặc biệt, hầu hết các vụ được phát hiện cho đến nay chỉ xử lý hành chính cho nên chưa đủ tác dụng răn đe khiến hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát từ cuối tháng 12/2021 đến nay vẫn chưa giảm nhiệt. Vì vậy, việc đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, riêng trong tháng 5/2023, cơ quan chức năng các địa phương đã phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại đường nhập lậu.
Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023-2024 sẽ có sự tăng trưởng so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích mía thu hoạch là 159,159 ha, tăng 112%, sản lượng mía chế biến 10.560.399 tấn, tăng 109% và sản lượng đường đạt hơn một triệu tấn, tăng 110%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, niên vụ mía năm 2023-2024, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Niên vụ mía này dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối mặt với hiện tượng El Nino, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại cũng như thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng. Để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có các biện pháp phù hợp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác ngày càng gia tăng tại các địa phương.
Trên cơ sở đó, các địa phương cần nâng cao thu nhập của người trồng mía thông qua việc người dân được hưởng giá thu mua ở mức tốt; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để giảm chi phí và tăng năng suất cây mía. Mặt khác, các địa phương khuyến cáo người dân tiết kiệm nguồn nước; triển khai chương trình giống nhằm mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu bộ giống mía, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất và chất lượng mía, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường. Hơn nữa, tùy hoàn cảnh của mỗi nhà máy và các địa phương, cần vận dụng các nguồn hợp pháp để hình thành quỹ bảo hiểm phòng chống rủi ro do biến đổi khí hậu cho người trồng mía, giúp họ yên tâm canh tác và phát triển cây mía. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi, kiểm soát, đối phó hiện tượng phá giá đường khiến đầu ra của cây mía bị thu hẹp và cắt đứt chuỗi liên kết mía đường hoặc hành vi ghìm hàng tăng giá khiến giá đường bị đẩy cao bất thường.
Trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống theo dõi thu thập thông tin về diễn biến thị trường và hoạt động gian lận thương mại để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, các nhà máy đường cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại cũng như hỗ trợ các cơ quan chức năng xác định nguồn gốc đối với hàng hóa lưu hành trên thị trường và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, nhập lậu, gian lận thương mại...