Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộ lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định 24. Cùng với đó cần sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng…
Ảnh minh họa
Thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị cần có giải pháp quản lý, ổn định giá vàng trong nước.
Theo đại biểu, trong những năm qua, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt thời gian gần đây, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới.
"Với mức điều chỉnh liên tục trong tháng 10/2023, đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng. Đây là khoảng cách rất lớn."
Với mức điều chỉnh liên tục trong tháng 10/2023, đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng.
Đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.
Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung- cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Thị trường vàng SJC đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập, đại biểu nêu quan điểm.
Hiện nay, Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộ lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, đại biểu Yến đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định 24 và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng.
Cùng với đó cần sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng, có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đặt vấn đề cân nhắc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2023, theo đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022. Theo đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng về “đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng” đều khó khăn, giảm tốc, tăng trưởng thấp.
Đặc biệt, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.
Kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% (là 3,56%) dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ giá đã có những biến động mạnh, trong tháng 8/2023, đỉnh điểm có lúc Việt Nam đồng mất giá 2,3% so với đầu năm.
Theo đại biểu, đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dữ trữ liên bang mỹ vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt.
"Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chính phủ quan tâm có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, chính sách tiền tệ và tài khóa."
Đối với tốc độ tăng trưởng năm 2023, mặc dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng nếu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, thì quý 4 cần tăng 7% (quý 4/2022 tăng 5,92%). Trường hợp phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, thì quý 4 cần tăng 8,8%.
Đại biểu cho rằng, điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế ở 3 tháng cuối năm. Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình, có giải pháp thích ứng linh hoạt hiệu quả hơn.
Cùng với đó duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm, có biện pháp đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Có kế hoạch, lộ trình và các giải pháp xử lý các tồn đọng, vướng mắc về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ có giải pháp hiệu quả hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu tăng (cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng 3,56%) và có giải pháp khắc phục theo hướng cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Cùng quan điểm này một số đại biểu nhận xét mức 3,56% nợ xấu nội bảng trong hệ thống ngân hàng, tương đương 440.000 tỉ đồng, là tốc độ tăng đáng lo ngại. Nếu để nợ xấu lâu, lãi dự thu nhiều, gánh nặng cho nền kinh tế. Nếu không kịp thời xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ lãng phí nguồn lực đáng kể.
Theo các đại biểu, khó khăn của nền kinh tế thời gian qua và hiện nay là khó khăn chung của cả doanh nghiệp, xã hội, trong đó có các ngân hàng. Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên cho rằng thời gian qua, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống thấp nhất có thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng, cơ hội tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn còn hạn chế...
Nhĩ Anh