Tại nhóm các cảng nước sâu, hãng tàu tăng cường sử dụng tàu có sức chở lớn trong điều kiện cung cầu thị trường bị giảm sút. Hàng container bị hút vào các tàu lớn, sử dụng các cảng nước sâu có cẩu bờ với được đến 23 - 24 hàng.
Sử dụng siêu tàu container để giảm giá thành vận chuyển
Các hãng tàu container có xu hướng sử dụng tàu cực lớn để giảm giá thành vận chuyển (trong ảnh: Tàu OOCL Spain, một trong những tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép - Thị Vải ngày 30/3/2023)
Theo phân tích của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), kể từ khi cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận được tàu container có sức chở gấp 5 - 6 lần tàu đến cảng TP. HCM, tốc độ tăng trưởng hàng container qua cảng nước sâu Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng nhanh từ 21% lên 68% của khu vực TP. HCM trong 10 năm. Tuy nhiên, sang năm 2022, tỷ trọng này bắt đầu giảm nhẹ xuống còn 67%.
Nguyên nhân chính là cạnh tranh tại nhóm các cảng nước sâu, hãng tàu tăng cường sử dụng tàu có sức chở lớn trong điều kiện cung cầu thị trường bị giảm sút. Hàng container bị hút vào các tàu lớn, sử dụng các cảng nước sâu có cẩu bờ với được đến 23 - 24 hàng.
VPA dẫn số liệu tàu container khai thác tại Cái Mép cho thấy, số lượng tàu container lớn được các hãng tàu đưa vào khai thác, cạnh tranh ngày càng tăng. Bình quân mỗi tháng có khoảng 126 chuyến tàu container đến cảng với cỡ tàu bình quân hơn 80.000 GRT, trong đó có hơn 46 tàu lớn hơn 100.000 GRT. Tàu lớn nhất đến cảng trên 200.000 GRT và dài hơn 400 m.
Tuy nhiên, khối lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam chia tải trên tàu ghé Cái Mép bình quân chỉ có khoảng 30.000 tấn/chuyến.
"Điều này cho thấy, mức độ cạnh tranh khốc liệt tại giữa các hãng tàu container tại Cái Mép, sử dụng tàu cực lớn để giảm giá thành vận chuyển. Mặt khác, tàu lớn đến Cái Mép còn chở thêm hàng của nhiều nước khác. Có thể nói cỡ tàu container chỉ bị giới hạn bởi độ sâu luồng Thị Vải và kích thước cẩu bờ chuyên dụng của cảng biển. Một khi luồng Thị Vải được nạo vét sâu đến 15,5 m, lợi thế cạnh tranh của cảng biển tại Cái Mép sẽ là trang thiết bị và quy mô tích tụ năng lực theo kịp nhu cầu khai thác cạnh tranh của các hãng tàu mẹ khai thác được hàng container xuất nhập khẩu và có kết hợp cả hàng trung chuyển để tăng kết nối", đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo VPA, có thể đánh giá các hãng tàu container lớn quốc tế đang cạnh tranh rất mạnh tại thị trường Việt Nam để thu hút container xuất nhập khẩu với khối lượng hơn 22 triệu TEU mỗi năm với mức lợi nhuận đơn vị cao. Giải pháp cạnh tranh là sử dụng tàu càng lớn càng tốt để giảm giá thành đơn vị và trên thực tế đã đạt đến cỡ của tàu mẹ, sẵn sàng được sử dụng để khai thác hàng trung chuyển quốc tế.
Hãng tàu nào khai thác được hàng trung chuyển sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn, do có thêm kết nối cho khách hàng và hãng tàu để chọn lựa thêm phương án kinh doanh.
"Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, một tàu mẹ nếu khai thác hàng trung chuyển thành công thì mỗi chuyển đến cảng, bình quân sẽ có khoảng vài chục tàu con sẵn sàng phục vụ vận tải nối chuyến cho tàu mẹ. Quy mô kết nối là lợi thế cạnh tranh để thu hút hàng xuất nhập khẩu cho hãng tàu và cả cho cảng biển", đại diện VPA nêu ví dụ và cho rằng, cảng nước sâu Cái Mép tại Bà Rịa – Vũng Tàu chưa khai thác được hàng trung chuyển do bị phân mảnh ngăn cách bởi ranh giới quản lý khai thác của từng bến cảng lẫn thủ tục Hải Quan, khó có thể lập kế hoạch cho nhiều tàu, nhiều cảng sẵn sàng để phục vụ xử lý hàng nối chuyến nhanh cho một tàu mẹ ghé vào một cảng bất kỳ.
Như vậy, cảng biển cần chuẩn bị trước điều kiện về năng lực và kết nối liên thông sẵn sàng để thu hút hãng tàu tham gia cung ứng dịch vụ container trung chuyển. Quyết định tham gia, cạnh tranh để tồn tại và phát triển thuộc về các hãng tàu mẹ.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần
Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho hay, tính đến tháng 9/2023, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (gồm 11 tuyến nội Á, 10 tuyến bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ - Canada, 4 tuyến Châu Âu).
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống các cảng container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch, phân loại là cảng biển đặc biệt, cảng trung chuyển quốc tế. Nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi và luồng hàng hải hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận các siêu tàu container hiện nay trên thế giới. Trước đó, tại cảng biển khu vực đã đón được những tàu container lớn có trọng tải khoảng 214.000 - 232.000 DWT vào làm hàng.
Thực tế, cụm cảng đã thu hút được các hãng tàu cũng như nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới tham gia liên kết với doanh nghiệp Việt Nam góp vốn đầu tư xây dựng, cũng như thu hút được các hàng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu vào cập cảng và nguồn lực khai thác cảng có kinh nghiệm...
Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam, sản lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu qua cảng biển khu vực Cái Mép năm 2022 gấp 5,3 lần so với năm 2012, từ hơn 900.000 Teu (năm 2012) hơn hơn 5 triệu Teu (năm 2022).
Năm 2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và tổ chức Standard & Poor Market Research phát hành chỉ số CPPI (Container Port Performance Index) khi đánh giá hiệu quả hoạt động của 348 cảng container và dữ liệu của 10 hãng tàu container lớn nhất thế giới, đã đánh giá khu bến Cái Mép thứ hạng cao (thứ 13/348).
Theo Cục Hàng hải VN, 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 565,1 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng tăng nhẹ khoảng 3%. Trong đó, hàng container đạt 183,6 triệu tấn, tăng 1%. Hàng container tính theo Teu đạt 18,2 triệu Teu, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng hàng xuất khẩu có xu hướng giảm nhẹ, song hàng nhập khẩu có xu hướng tăng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hàng nhập khẩu tăng nhẹ khoảng 4%, đạt 164,6 triệu tấn. Lượng hàng xuất khẩu giảm 1%, đạt 132,7 triệu tấn.
Riêng trong tháng 8, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 62,7 triệu tấn. Hàng container đạt 20,4 triệu tấn và hàng container tính theo Teu đạt 2 triệu Teu.
Theo Hiệp hội Cảng biển VN, 2023 là năm khó khăn đối với cảng biển Việt Nam, sản lượng container năm 2023 có thể giảm khoảng 8% so với năm 2022.