Mặc dù đối mặt những khó khăn được ví như giai đoạn “đáy” của thị trường, nhưng vẫn có những động lực cho ngành hàng dịch vụ ăn uống (F&B) tìm kiếm cơ hội để “thoát đáy” trong 3 tháng còn lại của năm 2023. Điều quan trọng là các doanh nghiệp F&B cần lựa chọn những hướng đi mới, cũng như lường trước rủi ro tiềm ẩn trong việc mua nhượng quyền thương hiệu như câu chuyện lùm xùm ở thương hiệu trà sữa Mixue mà nhiều chủ cửa hàng đang mắc phải.
Ông Trần Văn Châu, một chủ mặt bằng cho thuê ở quận 6 (Tp.HCM) cho biết, hiện tại dù đã giảm giá 30% vẫn khó khăn giữ chân các khách thuê trong thời gian qua, từ những khách thuê mở quán cà phê cho đến mở quán nhậu, quán phở.
Tìm cơ hội trong giai đoạn “đáy” của thị trường
“Không ai có thể trụ lâu, họ cứ thuê vài tháng rồi trả mặt bằng. Khách thuê lâu nhất cũng chỉ được 12 tháng. Có khách thuê mở quán cà phê chỉ ký hợp đồng thuê 6 tháng vì lo lắng việc kinh doanh không thuận lợi. Dù tôi đã hỗ trợ, nếu chấm dứt hợp đồng sẽ chỉ phạt 1 tháng tiền cọc nên khách gia hạn lên thành 1 năm. Nhưng cuối cùng khách vẫn thanh lý sớm vì buôn bán ế ẩm”, ông Châu chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp F&B vẫn lạc quan tìm kiếm cơ hội để “thoát đáy” trong 3 tháng cuối năm nay.
Có nhiều nhận định cho rằng mặt bằng cho thuê ở Tp.HCM trong quý 3/2023 vừa qua tiếp tục rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, mặc dù chủ mặt bằng đã giảm giá 25 - 30% nhưng khách thuê vẫn không thể cầm cự, phải trả mặt bằng. Trong đó, có một phần nguyên nhân do mảng kinh doanh F&B vẫn chưa thật sự khởi sắc như kỳ vọng.
Trong kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) ở ngành hàng F&B hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report cũng cho thấy, nguy cơ suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Tỷ lệ DN ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo, từ năm 2022 đến năm 2023 đã giảm 3,9%. Đáng chú ý, tỉ lệ DN ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỷ lệ DN giảm doanh thu (33,3%).
Tuy vậy, về triển vọng trong 3 tháng còn lại của năm 2023, phần lớn DN cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với hồi đầu năm. Thế nhưng tỷ lệ này giảm rất nhiều so với năm trước, từ 94,4% xuống 61,6%. Bên cạnh đó, 15,4% DN cho rằng thị trường F&B sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khảo sát năm 2022 không có DN nào nhận định như vậy.
Trong khi đó, cần nhắc lại nhận định gần đây của ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc CTCP iPOS.vn, đó là giai đoạn cuối năm 2023 sẽ là “đáy” của thị trường F&B. Trong đó, kỳ nghỉ lễ cuối năm có thể sẽ chứng kiến sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng.
Không những vậy, theo iPOS.vn, sức chi tiêu mua sắm của người dân cũng ảnh hưởng rõ rệt nhất là trong khoảng quý 4/2023. Chính điều này sẽ gây sức ép trực tiếp tới sự phát triển và tạo nhiều khó khăn cho các chủ kinh doanh F&B trong các tháng cuối năm nay.
Mặc dù có những nhận định không mấy khả quan như trên, nhưng theo Vietnam Report, tăng trưởng ngành F&B từ nay cho đến cuối năm 2023 chủ yếu dựa trên ba động lực.
Thứ nhất là mặt bằng lãi suất giảm giúp doanh nghiệp F&B giảm chi phí vốn vay và tăng khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển các kênh phân phối.
Thứ hai là nhiều dấu hiệu cho thấy lượng khách quốc tế đang trong quá trình phục hồi, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới.
Thứ ba là xu hướng chuyển dịch từ các kênh truyền thống sang hiện đại tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho các DN trong ngành.
Có thể thấy, với ba động lực như vậy thì các doanh nghiệp F&B vẫn có thể tìm kiếm cơ hội cho mình nhằm “thoát đáy” thị trường trong 3 tháng cuối năm nay. Điều quan trọng là họ cần lựa chọn những hướng đi mới, kiểm soát chi phí đầu vào, nguyên vật liệu để có thể kinh doanh hiệu quả.
Lường trước rủi ro nhượng quyền từ lùm xùm ở Mixue
Song song đó, trong bối cảnh khó khăn thì các DN ở ngành hàng này cũng cần hết sức thận trọng, lường trước rủi ro trong việc đầu tư, mở chuỗi hay mua nhượng quyền thương hiệu F&B.
Đơn cử như vào cuối tháng 9/2023, tại Hà Nội, các chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue (một thương hiệu trà sữa của Trung Quốc) đã tập trung căng băng rôn trước cửa trụ sở Công ty TNHH Snow King Global (đơn vị quản lý thương hiệu Mixue), do bức xúc khi bất ngờ nhận được thông báo từ phía Mixue về việc giảm 25% giá bán các sản phẩm, nhưng chỉ giảm giá nhập nguyên liệu đầu vào cho các chủ cửa hàng khoảng 8-10%.
Điều này khiến cho nhiều cửa hàng nhượng quyền của Mixue đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Chưa kể, ngoài việc gặp khó với chính sách thay đổi giá đột ngột, nhiều cửa hàng nhượng quyền Mixue còn chịu áp lực cạnh tranh lớn do số lượng cửa hàng thương hiệu này “mọc lên nhanh như nấm”. Theo Ipos.vn, tổng số cửa hàng Mixue trên cả nước tính đến hồi tháng 5/2023 đã cán mốc 1.000 cửa hàng trên cả nước chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam.
Nhìn vào câu chuyện lùm xùm nhượng quyền trà sữa Mixue, giới chuyên gia lưu ý có rất nhiều “cạm bẫy” được khéo léo che đậy đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng. Những người mua nhượng quyền thương hiệu F&B chỉ cần một chút lơ là và thiếu thận trọng là có thể sẽ phải nếm “trái đắng” ngay lập tức.
Nhất là có không ít các mô hình F&B đang lợi dụng việc nhượng quyền để tung ra rất nhiều cam kết trên trời như “cam kết hoàn vốn trong vòng 3 tháng”, hay “cam kết hoàn vốn trong 30 ngày”, hoặc “cam kết có lãi sau 6 tháng”… khiến cho nhiều chủ cửa hàng gật đầu ký các hợp đồng nhượng quyền rồi sau đó “tiền mất tật mang”.
Bởi lẽ, khi mua nhượng quyền thương hiệu F&B thì nhiều chủ cửa hàng vẫn còn chủ quan trước những yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Như trường hợp Mixue giảm giá bán không tương xứng với giảm giá nguyên liệu khiến cho các chủ cửa hàng có thể rơi vào tình cảnh “lỗ chồng lỗ” vì họ đang đối mặt nhiều chi phí gia tăng như hiện nay.
Không chỉ vậy, các chủ cửa hàng tham gia nhượng quyền thương hiệu F&B còn phải chịu nhiều rủi ro khác như các vấn đề về pháp lý, cạnh tranh, rủi ro phụ thuộc, chiếm dụng vốn, rủi ro hiệu ứng chuỗi…
Ngoài ra, trong 3 tháng còn lại của năm 2023, để tìm kiếm cơ hội “thoát đáy”, rất cần các doanh nghiệp F&B tập trung vào nắm bắt nhu cầu thị trường, tối ưu hóa trải nghiệm cho người mua trước xu hướng tiêu dùng mới, nâng sức cạnh tranh, giảm giá bán để giữ thị phần, hạn chế chi phí vận hành nhằm duy trì dòng doanh thu và tìm kiếm lợi nhuận cho thời gian tới.
Thế Vinh