Với việc Long Châu của FPT Retail mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng vaccine gần đây, thị trường trung tâm tiêm chủng Việt Nam được dự báo sẽ có thế "chân kiềng" mới và thậm chí là chia lại thị phần.
Trước đây, hệ thống y tế dự phòng được xem là một "điểm nghẽn" với ngành y tế Việt Nam, khi các trung tâm tiêm chủng tập trung vào khối bệnh viện và các trung tâm y tế công.
Điểm nghẽn này góp phần khiến các khu vực bệnh viện công trở nên quá tải, đồng thời khó theo kịp xu thế thị trường khi nhu cầu tiêm chủng của người dân đang ngày một đa dạng và tăng cao theo thời gian.
Nhu cầu tiêm chủng lớn khiến các trung tâm tiêm chủng trở thành một thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng được xem là hướng kinh doanh thiết thực.
Mỗi năm, vaccine cứu sống gần 3 triệu người trước những dịch bệnh nguy hiểm, gần một nửa trẻ em trên thế giới được bảo vệ bởi vaccine khỏi bệnh tật, khuyết tật và tử vong.
Tại Việt Nam, trong 25 năm qua, vaccine đã bảo vệ hơn 6,7 triệu trẻ em và ngăn chặn hàng trăm ngàn ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm chết người.
Đi đầu trong thị trường trung tâm tiêm chủng tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC). VNVC thành lập vào tháng 6/2017, đến nay đã có hơn 100 trung tâm tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc.
Lợi thế của VNVC là có các đối tác chiến lược từ nhiều hãng vắc-xin lớn như Glaxosmithkline (Bỉ), Sanofi Pasteur (Pháp), Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ),... Do đó, công tỷ được đàm phán trực tiếp, độc lập nhập khẩu chính hãng vắc-xin số lượng lớn, đặc biệt các vắc xin thường xuyên khan hiếm.
Hệ thống VNVC sở hữu 4 kho lạnh tổng và 100 kho lạnh đạt chuẩn GSP, VNVC đủ khả năng bảo quản cùng lúc hơn 200 triệu liều vắc xin trong cùng một thời điểm, đáp ứng nguồn cung theo nhu cầu.
Hiện hệ thống cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng linh như: tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc-xin theo yêu cầu, mua vắc-xin online…, dịch vụ tiêm chủng lưu động đối với các nhóm cơ quan, doanh nghiệp.
Ra đời sau VNVC, hệ thống phòng khám Nhi Đồng 315 cũng cung cấp các dịch vụ tiêm chủng, nhưng chủ yếu hướng tới đối tượng trẻ em. Ra mắt vào tháng 6/2019, chuỗi Nhi Đồng 315 ban đầu tập trung vào các hoạt động khám bệnh, xét nghiệm, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em.
Sau này, khi nhận thấy tiềm năng của thị trường trung tâm tiêm chủng, các phòng khám Nhi Đồng 315 được chuyển đổi và có thêm dịch vụ tiêm vaccine. Đến nay, doanh nghiệp đã có hơn 50 trung tâm tiêm chủng tập trung chủ yếu ở TP. HCM và các khu vực lân cận.
Phía đại diện Nhi Đồng 315 cho biết, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ tiêm chủng dành riêng cho nhi khoa, với hệ thống phòng khám nhi khoa được đánh giá là quy mô lớn nhất TP. HCM.
Với vị thế này, vào tháng 4 năm nay, hệ thống phòng khám Nhi Đồng 315 được quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) quyết định rót 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.
Trước đó, Nhi Đồng 315 từng 2 lần nhận vốn từ các đơn vị như: BDA Capital Partners, TVS, Nisaetus và Samsara Holdings, Tremont Capital Ventures International, một tập đoàn chăm sóc sức khỏe giấu tên của Nhật Bản và các nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài VNVC và Nhi Đồng 315, chiếc chân kiềng thứ ba ở thị trường trung tâm tiêm chủng Việt Nam được kì vọng sẽ là chuỗi trung tâm tiêm chủng của hệ thống FPT Long Châu thuộc FPT Retail.
Khác với mô hình phòng khám của Nhi Đồng 315, trung tâm tiêm chủng Long Châu kết hợp với mô hình nhà thuốc có sẵn, với khu vực bên ngoài là nhà thuốc, và bên trong là trung tâm tiêm chủng.
Long Châu được giới thiệu là đơn vị có các loại vaccine thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới và toàn bộ vaccine đều được nhập khẩu chính hãng.
Dù Long Châu mới đưa vào hoạt động 4 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, nhưng khả năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp này đã được chứng minh là "thần kì" chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm trở lại đây.
Với việc Long Châu của FPT Retail mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng vaccine gần đây, thị trường trung tâm tiêm chủng Việt Nam được dự báo sẽ có thế "chân kiềng" mới và thậm chí là chia lại thị phần.
Tính đến tháng 6/2023, Long Châu cán mốc 1.234 nhà thuốc trên toàn quốc. Song song với tốc độ mở rộng mạng lưới, FPT Long Châu vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh khi doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Kết quả, tổng doanh thu lũy kế 6 tháng của hệ thống FPT Long Châu đạt mức 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, quý 2/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ, tốt hơn mức tăng trưởng quý 1/2023 là 52%.
Với vị thế là chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam hiện tại, Long Châu dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1.400 - 1.500 nhà thuốc.