Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng và ban hành đề án riêng về trồng rừng cây gỗ lớn giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó có các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết để phấn đấu đến cuối năm 2030, Việt Nam có 1 triệu héc-ta rừng trồng cây gỗ lớn.
Thông tin trên được ông Vũ Thanh Nam - Trưởng phòng Sử dụng rừng (Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết tại toạ đàm với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu” được tổ chức vào ngày 7/11.
Cấp chứng chỉ rừng còn khó khăn
Cập nhật số liệu mới nhất của Cục Lâm nghiệp cho thấy diện tích rừng của Việt Nam hiện khoảng 14,74 triệu héc-ta. Trong đó, diện tích rừng trồng là 4,57 triệu héc-ta (chiếm 31%), còn lại là rừng tự nhiên 10,17 triệu héc-ta (chiếm 69%).
Cùng với tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân, rừng trồng là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung ở Đông Nam Bộ tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam Trần Lâm Đồng cho biết, Việt Nam là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng từ sớm. Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao Bộ NN&PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam (VFCS).
Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Tính đến tháng 9/2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam được cấp chứng chỉ VFCS/PEFC và FSC là gần 500.000ha. Tuy nhiên nhìn chung, việc cấp chứng chỉ rừng còn gặp một số khó khăn do rừng trồng chủ yếu do hộ thực hiện quy mô nhỏ, trình độ có hạn…
Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên. Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, toàn tỉnh có 2.145ha rừng tự nhiên đã được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon. Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu.
Thúc đẩy trồng rừng cây gỗ lớn
Theo ông Vũ Thanh Nam - Trưởng phòng Sử dụng rừng (Cục Lâm nghiệp), trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song ông Nam cho rằng loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng.
Đại diện Cục Lâm nghiệp đã chỉ ra những khó khăn và vướng mắc trong trồng rừng gỗ lớn. Nổi cộm là quỹ đất quy hoạch trồng rừng gỗ lớn quy mổ nhỏ, nhiều chỗ dưới 1ha manh mún, phân tản, không liền vùng. Thứ nữa, trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, người dân cần tiền phát triển kinh tế mà thời gian thì mất nhiều nên đây cũng là một trong những rào cản lớn.
Nhiều ý kiến tại toạ đàm cũng chia sẻ thêm những khó khăn khác trong trồng rừng cây gỗ lớn như do chu kỳ dài nên câu chuyện vay vốn, tiếp cận vốn vay khó; tuy chính sách nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Khó khăn về giống và biện pháp canh tác…
Ông Vũ Thanh Nam cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng và sẽ sớm ban hành đề án riêng về trồng rừng cây gỗ lớn giai đoạn 2023 - 2030; trong đó sẽ bao gồm các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết để phấn đấu đến cuối năm 2030, Việt Nam có 1 triệu héc-ta rừng trồng cây gỗ lớn.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia. Đồng thời kiến nghị, cần phải đầu tư nghiên cứu cho ra các giống cây rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện từng vùng, chuyển giao nhiều giống mới cho bà con...