So với cao điểm hai năm trước giá nhiều loại trái cây nhập ngoại như Kiwi, táo, lựu, lê... rẻ hơn cả trăm nghìn đồng mỗi kg. Các sản phẩm này đã vượt ra khỏi không gian siêu thị đến với các chợ lẻ và thậm chí là cả các xe bán ven đường nhờ chất lượng tốt, dồi dào và giá ngày càng cạnh tranh với giá trái cây trong nước.
Chuyên bán trái cây nhập khẩu online, chị Huệ (Hà Đông - Hà Nội) cho biết, lựu Tunisia từng là một trong những loại trái cây nhập khẩu được xếp vào phân khúc cao cấp đang bán ra với giá 150.000 đồng một thùng (trọng lượng 3,5 kg), tức chưa đến 50.000 đồng/kg. “Giá này giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và so với 2 năm trước giảm đến 1/5”, chị nói.
Theo chị Huệ, kiwi, nho, lê, táo… nhập khẩu khẩu cũng có giá bán ngày càng rẻ. Trong đó, lê Hàn Quốc đang được bán 60.000-80.000 đồng/kg cho hàng loại 1, còn loại 2 là 30.000-40.000 đồng/kg, đây là mức rẻ nhất từ trước tới nay.
Theo khảo sát của VnBusiness, tại các siêu thị như Winmart, Aeon Mall giá bán các loại táo nhập khẩu cũng giảm mạnh so với thời điểm trước đây. Chẳng hạn, táo Envy - loại táo nhập khẩu có giá đắt đỏ nhất tại thị trường Việt Nam (không tính táo Nhật Bản) - cách đây 2-3 năm có giá 200.000-350.000 đồng/kg, nay xuống 70.000-110.000 đồng, tức giảm hơn một nửa.
Người tiêu dùng hưởng lợi khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp thuế nhập khẩu rau quả gần như giảm về 0%, giúp giảm giá thành sản phẩm.
Hay như nho mẫu đơn, từng có giá bạc triệu mỗi kg nay chỉ còn một nửa với sản phẩm cùng xuất xứ hoặc thấp hơn 1/4 với loại cùng giống nhưng trồng tại Trung Quốc. Tại Hà Nội, một số nơi đang bán nho mẫu đơn giá chỉ 200.000 – 400.000 đồng/kg.
Trước đó, giá Cherry Mỹ tại Việt Nam cũng xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng hơn 200.000 đồng/kg. Lý do loại quả “nhà giàu" này giảm giá một nửa được lý giải do cherry được mùa, sản lượng gấp đôi năm ngoái và lượng hàng về Việt Nam ước tính cũng gấp đôi so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhờ có công nghệ bảo quản khi vận chuyển bằng tàu biển với cước phí rất thấp so với đường hàng không nên giá cherry lại càng rẻ.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ vẻ bất ngờ nói: “Chưa bao giờ tôi thấy trái cây nhập ngoại lại rẻ như bây giờ, có loại chưa đến 50.000 đồng/kg. Giá này thì bất kỳ ai cũng có thể mua về thưởng thức được".
Nguyên nhân khiến giá trái cây ngoại về Việt Nam ngày càng giảm được chị Thuỳ Linh, phụ trách bộ phận kinh doanh một công ty nhập khẩu trái cây tại Hà Nội, cho biết trái cây nhập khẩu ngày càng rẻ do có nhiều doanh nghiệp tham gia và lựa chọn những dòng hàng vừa túi tiền để đưa về nước. Ví dụ, các loại táo nhập từ châu Âu có thuế 0% các doanh nghiệp thường chọn loại có kích cỡ nhỏ với giá thấp, vận chuyển bằng đường tàu chi phí thấp nên về Việt Nam bán với giá rất rẻ.
Bên cạnh đó, chị Linh cho rằng một năm trở lại đây, Ấn Độ, New Zealand mở cửa mong muốn xuất khẩu trái cây sang Việt Nam nhiều hơn nên giá bán ra hấp dẫn. Với thị trường Trung Quốc, các thỏa thuận tạo lợi ích giữa hai nước cũng giúp loại trái cây của quốc gia này vào Việt Nam dễ dàng và rẻ hơn so với trước đây.
Còn theo các doanh nghiệp bán lẻ trái cây tại Hà Nội, nguyên nhân khiến trái cây nhập khẩu giảm giá mạnh là do các nhà nhập khẩu thường phải cam kết số lượng nhập khẩu từ đầu mùa. Trong khi số lượng các đơn vị nhập khẩu trái cây ngày càng tăng, nhưng sức mua năm nay không mấy cải thiện do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nên các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá để ra hàng vì trái cây không thể tồn kho lâu.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.op mart cho biết, nhiều loại trái cây nước ngoài đang vào vụ, sản lượng cao, nguồn cung dồi dào song sức mua trong nước không tăng tương xứng nên giá bán giảm sâu.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp thuế nhập khẩu rau quả gần như giảm về 0%. Do đó, giá trái cây cũng giảm khá mạnh do không phải chịu thuế. "Chúng ta đã ký EVFTA, RCEPT, CP TPP... nên giá trái cây nhập khẩu được ưu đãi thuế lớn", ông Nguyên nói thêm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 10, Việt Nam chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Đặc biệt năm nay, Việt Nam tăng nhập trái cây từ các nước có giá rẻ như Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, với mức tăng trưởng từ 4-62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh Hoa