Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu. Việt Nam hiện đang bước vào thời kỳ tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Không ồn ào như đầu tư bất động sản, không náo nhiệt như đầu tư tài chính, xu hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế diễn ra âm thầm nhưng không kém phần hấp dẫn và quyết liệt, báo hiệu một làn sóng đầu tư mới trong tương lai.
Những năm qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở Việt Nam phát triển vượt bậc đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP 26. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam.
Với tầm nhìn trở thành Tập đoàn đầu tư bất động sản và năng lượng hàng đầu Việt Nam khẳng định giá trị thương hiệu uy tín và bền vững trong nước cũng như trên thị trường quốc tế, hơn 30 năm qua Hà Đô đã trở thành một thương hiệu đầu tư, xây dựng và kinh doanh hàng đầu Việt Nam với 18 công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp trên từng lĩnh vực.
Năm 1990, Xí nghiệp xây dựng Hà Đô trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng được thành lập. Năm 1992 Xí nghiệp xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Năm 2004 Công ty Hà Đô được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Hà Đô. Năm 2010 chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE nay là HSX) với mã cổ phiếu là
HDG.
Nhận thức được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, Tập đoàn Hà Đô đã xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh năng lượng sạch cho tương lai - mô hình phát triển xanh và bền vững.
Bên cạnh các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, Hà Đô đã có những bước đi tạo nền tảng ở lĩnh vực năng lượng từ năm 2006 khi thực hiện chuyển đổi các xí nghiệp thành viên thành công ty cổ phần và chính thức đầu tư thủy điện. Những năm sau đó, Hà Đô đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng, đồng thời thực hiện M&A các dự án hoặc những công ty ở lĩnh vực này.
Đến nay, Tập đoàn Hà Đô đã sở hữu 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy phong điện. Năm 2022 vừa qua, với việc hoàn thành tổ máy 3 và khánh thành nhà máy thủy điện Đăk Mi 2, Tập đoàn đã đưa vào vận hành đủ công suất 462MW của các dự án năng lượng đã phát triển, trong đó có 314MW thủy điện và 148MW điện gió, điện mặt trời.
Nhà máy điện gió 7A.
3 nhà máy năng lượng tái tạo của Hà Đô đang vận hành bao gồm: Nhà máy điện gió 7A tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.875 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước tại xã Phước Thái, Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, có công suất 48 MWp, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng;
Về thủy điện, Tập đoàn Hà Đô đang sở hữu 5 nhà máy bao gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Pông tại xã Châu Hạnh và xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An có công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có công suất 59 MW, tổng mức đầu tư 1.881 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Za Hưng tại xã Za Hưng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 503 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 tại xã Quế Lưu và xã Phương Thăng, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, công suất: 48 MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng và cuối cùng là Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có công suất 147 MW, tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Za Hưng.
Đại tá Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên Tập đoàn Hà Đô và đang tiếp tục có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của Tập đoàn, từ ý tưởng cho tới chiến lược đầu tư, cũng như dẫn dắt hoạt động kinh doanh, đến nay ông đã có 30 năm làm việc và cống hiến cho sự lớn mạnh của Tập đoàn. Ông chia sẻ, trong 3 năm tới, Hà Đô sẽ tiếp tục chiến lược phát triển 3 ngành nghề mũi nhọn là đầu tư bất động sản, năng lượng và xây lắp. Tập đoàn cũng tiếp tục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo nguyên tắc không dàn trải, đảm bảo không pha loãng vốn chủ sở hữu, hoàn thành sớm mục tiêu tổng công suất 1 GW phát điện. Tập đoàn sẽ tập trung phát triển dự án Điện mặt trời Bác Ái 14 (công suất 120MW), dự án điện gió Tiến Thành 1 (50MW), dự án điện gió 7A Thuận Nam (20MW)… và dành nguồn lực ưu tiên tìm kiếm phát triển thêm các năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa.
Đại tá Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô tại sự kiện kỷ niệm 33 năm ngày thành lập công ty, tháng 10/2023.
Năm 2022 vừa qua, Hà Đô đạt mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước tới nay với 1.361 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực năng lượng đạt doanh thu 2.115 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 59,06% trong cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn, được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng bền vững về kết quả kinh doanh và năng lượng là mảng có nhiều tiềm năng và sẽ mang về dòng tiền đều đặn, lâu dài ở các năm tiếp theo.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên 73,78 GW; tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu công suất chiếm 50,3%, mặc dù tỷ trọng thủy điện ước tính giảm từ 30% xuống 20% do tiềm năng còn ít; điện sản xuất từ nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 36%. Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo là gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện. Quy hoạch điện VIII được nhận định sẽ tạo ra cú huých lớn cho ngành điện nói chung, điện năng lượng tái tạo nói riêng.
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xu thế năng lượng xanh, Tập đoàn Hà Đô kỳ vọng Quy hoạch điện VIII sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới, giúp hóa giải những vướng mắc về cơ sở pháp lý cho việc triển khai đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện lớn, mở rộng mạng lưới đấu nối truyền tải, phân phối, đồng thời giải quyết các khó khăn về giá và chính sách liên quan đến điện mặt trời và điện gió.
Giới phân tích cho rằng, để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới thì cơ chế giá điện phải được ưu tiên hàng đầu. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào lợi nhuận kỳ vọng để xem xét đầu tư. Khi Việt Nam giảm dần tỷ trọng các dự án điện than bằng điện khí và năng lượng tái tạo thì sẽ có sự đánh đổi giữa giá mua điện và giảm khí thải.