Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam còn chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải.
Từng tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Đông Nam Á, ông Nguyễn Sơn Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương cho biết các sự kiện này có rất ít sự xuất hiện của gian hàng du lịch Việt Nam. Trong các diễn đàn kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng không xuất hiện nhiều đại diện của ngành du lịch Việt Nam.
“Kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại, tôi liên tục đi qua các nước láng giềng để kết nối thị trường, xúc tiến khách quốc tế về Việt Nam, dẫn các đoàn khách là đại diện các công ty lữ hành quốc tế đến khảo sát các điểm du lịch chính từ Bắc tới Nam, nhiều đối tác của công ty tôi có cùng tâm trạng là du lịch phục hồi vẫn yếu, không như mong đợi”, ông Nguyễn Sơn Thuỷ nói.
Ông Thủy phân tích, lượng du khách quốc tế năm nay cao hơn năm 2022 nhưng vẫn kém xa so với trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khu mua sắm, điểm tham quan tăng nhanh trong hai năm gần đây, nên lượng khách dù tăng cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Hình ảnh du lịch Việt Nam còn mờ nhạt
Tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam còn chậm và hạn chế.
“Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam triển khai quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua hoặc tham gia cầm chừng, hoặc chỉ địa phương tham gia khiến cho hình ảnh của du lịch Việt Nam mờ nhạt đối với nhiều doanh nghiệp quốc tế” - lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra rằng công tác xúc tiến du lịch vẫn đi theo lối mòn, cần phải ứng dụng chuyển đổi số. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải, thiếu tính liên kết. Thủ tướng cho biết nhiều hội chợ quốc tế quan trọng, hàng đầu thế giới chưa được quan tâm như WTM, JATA nên sắp tới ngành du lịch phải tranh thủ quảng bá ở những hội chợ, sự kiện lớn. Các hiệp hội du lịch, tập đoàn lớn thì phải tiên phong đi trước, nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt còn lại huy động nguồn lực xã hội vào quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững
Từ góc độ điểm đến, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế trong đó Bộ VHTT&DL là đơn vị chủ trì, tổ chức thực hiện để định vị thương hiệu dịch vụ, du lịch Việt Nam. Hiện nay các tỉnh, thành phố cũng chủ động thực hiện quảng bá du lịch, như Hà Nội đã hợp tác với kênh truyền hình CNN, nhưng nếu là Bộ VHTT&DL triển khai trên phạm vi toàn quốc thì sẽ hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp lữ hành như ông Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, muốn dịch chuyển ngành du lịch đi lên cần phải có “lực kéo” từ các mạng lưới xúc tiến du lịch ở nước ngoài, đồng thời, bên trong phải tạo “lực đẩy” bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng, lao động lành nghề và chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa hiệu quả
Tại hội nghị, nhiều ý kiến kỳ vọng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phát huy vai trò chủ đạo trong công tác quảng bá du lịch, nhất là khi doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đi xúc tiến ở nước ngoài.
“Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập từ năm 2018 cho đến nay chưa phát huy được hiệu quả, mặc dù đã được cấp vốn Điều lệ. Có sự lẫn lộn giữa chức năng cấp phát kinh phí với tổ chức triển khai là một trong những nguyên nhân làm cho Quỹ khó hoạt động được, không đáp ứng được nhu cầu của ngành”, phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hiện nay "chất hành chính" nhiều quá và bộ máy thực thi không có cơ chế để làm. "Chúng ta nhận được nhiều giải thưởng, nhưng sâu sắc hơn phải là quảng bá du lịch bằng tính độc đáo, khác biệt, bản sắc, thêm cả sự huyền bí. Quảng bá để du khách 'thòm thèm' thì Việt Nam chưa làm được".
Theo ông Võ Trí Thành, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần cải tổ theo hướng xã hội hóa, vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi, phải có hội đồng gồm đại diện của các bên cùng đóng góp và quản lý. Trước tiên quỹ này phải tham gia vào những sự kiện xúc tiến du lịch lớn, thứ hai là đổi mới sáng tạo về du lịch như tổ chức các cuộc thi và thứ ba là đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo cấp cao.
Tại Đà Nẵng, mô hình hợp tác công tư trong xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch có thể là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. Để có thêm nguồn lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá, từ năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Quỹ Xúc tiến Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Xúc tiến Phát triển du lịch đồng hành cùng Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức nghiên cứu thị trường, chương trình kích cầu du lịch... để góp phần khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng.