Việc khối ngoại mua ròng trở lại không chỉ là giá trị giao dịch cụ thể về mặt con số hay tạo lực đỡ về mặt tâm lý, mà còn là tín hiệu đáng chú ý, manh nha cho việc dịch chuyển dòng vốn ngoại sau giai đoạn bán ròng mạnh vừa qua.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ diễn biến của khối ngoại, khi đảo chiều mua ròng trong những phiên gần đây.
Trở lại xu hướng mua ròng
Sau suốt hơn 2,5 năm bán ròng rã không mỏi tay với giá trị ròng 150.000 tỷ, khối ngoại đã quay trở lại xu hướng mua ròng trên TTCK Việt Nam, đặc biệt là phiên mua kỷ lục 2.400 tỷ trong ngày 14/5. Tuần trước đó, khối này cũng đã đổ tiền mua ròng 1.200 tỷ. Tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 5.

Tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 5.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta, có 3 lý do chính để khối ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam trong giai đoạn này.
Trước hết, xuất phát từ chính sách thuế quan hạ nhiệt. Chỉ số Credit Default Swap (CDS) Việt Nam kỳ hạn 5 năm đã hạ nhiệt trong tuần qua sau khi tăng mạnh chạm mức 150 trong đầu tháng 4/2025 do lo ngại các chính sách thuế quan ảnh hưởng đến vĩ mô.
Điều này cho thấy rủi ro quốc gia đã giảm và là yếu tố cho thấy các rủi ro dài hạn đã hạ nhiệt khi các cuộc đàm phán đang diễn ra và kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được đàm phán tích cực trong vài tuần tới. Trong giai đoạn 2024, chỉ số CDS tăng, dòng vốn ngoại đã rút ra kỷ lục, nên khi chỉ số này giảm, vốn ngoại có động lực mua vào cổ phiếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng vốn toàn cầu thời gian vừa qua đã rút ra khỏi thị trường Mỹ. Nếu như năm ngoái dòng vốn đổ vào Mỹ mua nhiều cổ phiếu công nghệ thì năm nay đã rút ròng.
Giới phân tích đánh giá, việc khối ngoại mua ròng trở lại không chỉ là giá trị giao dịch cụ thể về mặt con số hay tạo lực đỡ về mặt tâm lý, mà còn là tín hiệu đáng chú ý, manh nha cho việc dịch chuyển dòng vốn ngoại sau giai đoạn bán ròng mạnh vừa qua.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, diễn biến này nằm trong một xu thế tái cơ cấu dòng tiền toàn cầu.
“Sau khi chịu tác động tiêu cực từ các phát ngôn cứng rắn về chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 4, nhà đầu tư quốc tế đã chủ động giảm tỷ trọng tài sản tại Mỹ và dịch chuyển sang các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam”, ông Sơn cho hay.
Thêm vào đó, điều tích cực là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong khoảng 4 tuần nay.
Chuyên gia VPBankS cho rằng tín hiệu tại khu vực đang tạo ra động lực tích cực cho TTCK Việt Nam. “Với xu hướng mua ròng đã kéo dài khoảng 4 tuần tại châu Á, tôi kỳ vọng chuỗi mua ròng sẽ được duy trì khi Việt Nam và các quốc gia khác chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ", chuyên gia này đưa ra quan điểm.
Thị trường tiếp tục phục hồi?
Nhìn chung, sự vận hành ổn định của Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX), kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, các chính sách lớn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là căng thẳng thuế quan có phần "hạ nhiệt" hơn hẳn... là những thông tin tích cực hỗ trợ cho TTCK Việt Nam tăng điểm kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cũng được củng cố hơn khi dòng tiền khối ngoại "đảo chiều" mua ròng trở lại trong những phiên gần đây. Diễn biến này một phần hỗ trợ cho thị trường chinh phục ngưỡng kháng cự trên quan trọng tại 1.300 điểm.
Mặc dù khối ngoại không còn chi phối thị trường như trước nhưng thực tế vẫn là một nhóm nhà đầu tư có ảnh hưởng rất lớn cả về giá lẫn tâm lý. Các chuyên gia dự báo từ nay đến tháng 6, thị trường sẽ tiếp tục trong pha phục hồi, và sự mua ròng trở lại của khối ngoại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng này.
Ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng chuỗi mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục kéo dài khi Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác cùng đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu căng thẳng về thuế quan. Anh và Trung Quốc đã có bước tiến ban đầu, dù chi tiết chưa rõ nét. Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam có thêm dữ liệu vĩ mô tích cực hoặc đạt tiến triển trong đàm phán, xu hướng hút vốn ngoại có thể tiếp tục được duy trì, góp phần hỗ trợ tích cực cho triển vọng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông Bùi Văn Huy, Phó Chủ tịch CTCP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản (FIDT), trong ngắn hạn, sự trở lại của khối ngoại là yếu tố quan trọng giúp thị trường củng cố niềm tin và cải thiện thanh khoản. Trong trung hạn, khả năng nâng hạng sẽ mở ra dư địa lớn cho việc thu hút dòng vốn chất lượng cao, góp phần đưa thị trường Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới - chuyên nghiệp, minh bạch và hội nhập sâu rộng hơn với dòng chảy tài chính toàn cầu.
Về nhóm ngành triển vọng, theo ông Trịnh Hà, chuyên gia tài chính độc lập, nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục những ngành nghề không chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế quan Mỹ. Những ngành đóng góp tích cực cho tăng trưởng của VN-Index trong thời gian tới có thể là ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Ngoài danh mục 4 nhóm có nhiều điểm mạnh trên, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu khối bán lẻ và đầu tư công, bởi đây là các nhóm ngành đang có sức bật tốt từ nội lực.
Cụ thể, tiêu dùng trong nước sẽ được đẩy mạnh để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, ở một số ngành nghề có thể sẽ có những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, yếu tố này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khối bán lẻ tăng tốc. Còn ở nhóm đầu tư công, trong thời gian vừa qua, hàng loạt dự án đầu tư công được đẩy mạnh, Chính phủ quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, yếu tố lãi suất thấp cũng hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, giảm áp lực tài chính.
Hải Giang-Link gốc