Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “hủy hoại rừng” liên quan đến thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến 25,36ha rừng tự nhiên chết trắng.
Rừng tự nhiên “chết trắng”
Thời gian vừa qua, người dân nhiều lần phản ánh với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc hàng nghìn cây rừng tự nhiên bị chết trắng dọc lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum, khiến ai nấy đều xót xa.
Để làm rõ những bức xúc của người dân, chúng tôi đã tìm lên thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Để vào được hiện trường rừng cây chết, chúng tôi đã phải thuê xuồng máy của người dân với mục đích “Tham quan lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum”.
Theo anh T (người lái xuồng máy): “Thời điểm trước, mực nước lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum dâng cao, vượt qua cả cao trình của thủy điện. Theo đó, hàng nghìn cây rừng tự nhiên lớn, nhỏ nằm chơi vơi giữa biển nước. Sau khi nước rút được một thời gian, các cây nằm dọc lòng hồ thủy điện bắt đầu đổ lá, chết khô”.
Anh T chỉ tay về con thác phía trước không khỏi xót xa: “Rừng cây tự nhiên bị chết tạo cảnh quan rất lạ và hấp dẫn du khách tham quan.
Tại một huyện phát triển về du lịch sinh thái mà để cây rừng tự nhiên chết hàng loạt chúng tôi cũng rất xót xa. Nếu không có rừng thì huyện Kon Plông khó có thể phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái”.
Theo quan sát của phóng viên, dọc lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum có hàng nghìn cây gỗ tự nhiên lớn, nhỏ chết trắng xóa cả một vùng. Nhiều diện tích rừng ngập sâu dưới biển nước nhưng cũng khu vực trên bờ cũng bị chết đứng.
Xuồng máy càng tiến sâu hơn vào lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum thì chúng tôi nhận thấy diện tích rừng tự nhiên chết càng nghiêm trọng hơn. Nhiều cây gỗ có đường kính lớn cũng nằm chết la liệt giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Khởi tố vụ án tội “hủy hoại rừng”
Làm việc với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết: “Tổng diện tích rừng tự nhiên bị ngập úng do tích nước lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum là 25,35ha. Diện tích bị ngập úng nằm ngoài ranh giới đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và giao đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Thượng Kon Tum”.
Trong đó, diện tích rừng bị ngập úng và chết thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (thiệt hại 15,63ha rừng tự nhiên, rừng trồng; chức năng rừng phòng hộ, rừng sản xuất); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (thiệt hại 3,39ha rừng tự nhiên; chức năng rừng sản xuất) và các hộ gia đình, cá nhân xã Đăk Tăng (thiệt hại 6,34ha rừng tự nhiên; chức năng rừng sản xuất).
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự tội "hủy hoại rừng" xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Trần Nghĩa)
Cũng theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, khi tiến hành các bước khảo sát tư vấn, hiện trường khu vực lòng hồ rộng, có địa hình đồi núi phức tạp, khe suối chia cắt mạnh, hiện trạng rừng rất rậm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết mưa nhiều, khó khăn trong việc tiếp cận thực tế hiện trường, có nhiều vị trí không tiếp cận được.
Đồng thời, máy móc, dụng cụ phục vụ cho việc xác định vị trí và đo đạc không được hiện đại như ngày nay nên dẫn đến sai sót trong quá trình tính toán diện tích, ranh giới xin thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ cho các hạng mục công trình thuộc lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum.
Đáng chú ý, trong quá trình khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn đã dẫn độ cao bằng máy thủy chuẩn và máy toàn đạt điện tử để xác định độ cao 1.160,1m (cao trình cắm mốc ranh giới) và tiến hành cắm mốc. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng bản đồ tỷ lệ 1/10.000 để nội suy đường ranh giới, khoảng cách giữa các mốc.
Tuy nhiên, việc xử lý số liệu trên bản đồ số tỷ lệ 1/10.000 dùng phương pháp nội suy và công tác kiểm tra, đối chiếu, kiểm chứng thực tế tại hiện trường không chính xác dẫn đến khi vận hành lòng hồ, tích nước thì xảy ra tình trạng nước lòng hồ ngập ra khỏi ranh giới được phép thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gây úng làm cây rừng chết tại một số khu vực hợp thủy, khe suối.
Cần xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan khiến cây rừng tự nhiên "chết trắng" dọc lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Trần Nghĩa)
Quá trình điều tra, xác minh, kết luận ban đầu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định trách nhiệm gây hậu quả thiệt hại về rừng do ngập nước tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum thuộc về Công ty Cổ phần Đo đạc và bản đồ viễn thám; Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (đơn vị thực hiện dự án ban đầu) trong việc ký kết hợp đồng, nghiệm thu thành quả đối với hồ sơ tư vấn, thiết kế đo đạc ranh giới lòng hồ.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết đã xác định có dấu hiệu tội phạm về “hủy hoại rừng” xảy ra tại các tiểu khu 401A, 406, 407, 411, 412, 413 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý; tại tiểu khu 410 lâm phần do các hộ gia đình, cá nhân thuộc địa phận hành chính UBND xã Đăk Tăng quản lý và tiểu khu 451 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.
Sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ/KTVAHS-KL về tội “hủy hoại rừng” do hành vi tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng ngập tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum khiến cây rừng chết khô với diện tích 25,36ha.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, sau khi khởi tố vụ án hình sự, đơn vị này đã chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kon Tum tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.