Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Ngô Nhật Phương cho biết đã nhận toàn bộ tiền chuyển nhượng vốn cổ phần tại Pharbaco từ Hải Hà Petro. Đây là nguồn lực giúp ông mở rộng đầu tư vào vé số, cửa hàng miễn thuế, kinh doanh xì gà, đất hiếm và hóa chất.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương. Ảnh: CTV.
Nhắc đến CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (UPCOM:
PBC), là nhắc đến thương hiệu có lịch sử lâu đời và uy tín trên thị trường dược phẩm ở Việt Nam. Từ sau khi Tổng công ty Dược Việt Nam thoái phần vốn chi phối vào năm 2016, Pharbaco về tay doanh nhân Ngô Nhật Phương - một doanh nhân gốc Bắc Ninh.
Sinh năm 1961, ông Ngô Nhật Phương là một người dạn dày bản lĩnh thương trường. Đại gia xứ Kinh Bắc khởi nghiệp với nghề cho thuê chiếu ở sân ga, bán nước chè, cuống vé tàu… Sau đó khi dành dụm được chút tiền ông đã "lấn sân" sang mảng bán bánh mì, xe cơm, hủ tiếu. Ông từng tâm sự: "Làm công việc này người ta phải bỏ đi cái máu sĩ diện, không kể sang hèn thì mới làm được". Tuy nhiên, lợi nhuận kiếm được không đáng bao nhiêu khiến ông Phương chuyển sang kinh doanh thuốc lá.
Dẫu vậy, khó khăn lại nối tiếp khi chỉ một thời gian ngắn sau đó ông Phương bị các cơ quan chức năng điều tra về vụ tái xuất thuốc lá. Ông Phương phải ngồi tù 3 năm.
Sau khi ra tù, ông tiếp tục con đường kinh doanh của mình, ban đầu, ông kinh doanh nhà hộ sinh rồi mời một số bác sĩ quân đội về làm. Sau đó mở cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) với hàng trăm mặt hàng từ thuốc lá, rượu, bia cho tới các sản phẩm tiêu dùng. Ngoài ra, ông còn mở hệ thống thu mua và phân loại ve chai, kinh doanh xăng dầu, thuốc lá, nội thất, khách sạn trải dài từ Việt Nam đến Campuchia, Lào.
Đến đầu năm 2016, như đã đề cập, ông Phương đã trực tiếp tham gia vào ngành dược trong nước, bằng cách thông qua công ty thành viên là CTCP Appollo (nay là CTCP Appollo OIL) để mua lại 59,17% cổ phần tại Pharbaco.
Đến tháng 5/2018, vai trò của ông Ngô Nhật Phương tại Pharbaco tiếp tục được củng cố rõ nét khi ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Pharbaco.
Sau khi chủ mới hoàn tất sở hữu chi phối, Pharbaco công bố kế hoạch đầu tư dự án xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – EU với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai xây dựng từ năm 2018, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, bao gồm 2 dây chuyền Non Betalactam viên (624 tỷ đồng) và dây chuyền Cefalosporin tiêm và viên (576 tỷ đồng). Đến cuối tháng 1/2020, toàn bộ máy móc và thiết bị của nhà cung cấp đã về tới công ty.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng nhà máy nghìn tỷ, Pharbaco dưới sự điều hành của doanh nhân Ngô Nhật Phương cũng đã tăng vốn điều lệ lên mức 900 tỷ đồng vào tháng 9/2020.
Dẫu vậy, sau thời gian dài sở hữu Pharbaco thì trong năm 2020, nhóm ông Ngô Nhật Phương bất ngờ phát đi những tín hiệu chuyển giao quyền sở hữu và người nhận chuyển nhượng là bà Trần Tuyết Mai - chủ sở hữu Hải Hà Petro, một đại gia xăng dầu hàng đầu miền Bắc, và là một người quen, đối tác lâu năm của ông Phương.
Sự xuất hiện của bà Trần Tuyết Mai tại Pharbaco là một động thái khá bất ngờ trong bối cảnh pháp nhân lõi của nữ doanh nhân này đang trong cảnh thua lỗ, thậm chí còn nợ thuế "khủng" và mong muốn nhà nước hỗ trợ. Điều này làm dấy lên tin đồn Hải Hà Petro đứng tên hộ cổ phần ở Pharbaco. Tuy nhiên vào thời điểm đó khi trao đổi với Nhadautu.vn, ông Ngô Nhật Phương đã phủ nhận điều này.
"Tôi khẳng định không có chuyện bà Trần Tuyết Mai đứng hộ cổ phần của tôi tại Pharbaco. Tôi hiện đã lớn tuổi, hơn nữa dược phẩm lại là một ngành khá phức tạp. Do vậy, trong thời gian tới tôi chỉ kinh doanh vé số tại Campuchia bởi làm vé số thì mới có tiền về đầu tư vì đây là ngành có thu nhập ổn định, tính cạnh tranh thấp", doanh nhân Ngô Nhật Phương từng nói về kế hoạch trong tương lai vào thời điểm đó.
Ông Ngô Nhật Phương giờ ra sao?
Sau gần 3 năm rút khỏi Pharbaco, ông Phương chia sẻ với Nhadautu.vn rằng đã nhận toàn bộ tiền chuyển nhượng vốn Pharbaco từ Hải Hà Petro. Đây là nguồn lực giúp ông mở rộng đầu tư vào kho ngoại quan, vé số, cửa hàng miễn thuế, kinh doanh xì gà bằng cách nhập khẩu và bày bán tại khu ngoại quan cho khách du lịch.
"Bên cạnh đó hiện nay tôi còn kinh doanh đất hiếm ở Lào và buôn bán hóa chất. Tôi chỉ làm những thứ người khác không làm", ông Phương nói.
Về mảng bất động sản, ông Phương chỉ tham gia mua bất động sản ở các dự án nhỏ lẻ, và thu về doanh số cao với trung bình 6.000-7.000 tỷ đồng. Ông cho biết không muốn đầu tư làm dự án lớn vì thủ tục và giấy tờ phức tạp.
Dữ liệu của người viết thể hiện, nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Ngô Nhật Phương cũng ghi nhận biến động đáng chú ý trong vài năm trở lại đây.
Điển hình là CTCP Appollo khi đổi tên thành CTCP Appollo Oil vào cuối năm 2021, đăng ký lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng nhà để ở. Đến đầu tháng 3/2022, công ty này tăng vốn từ 865 tỷ đồng lên 990 tỷ đồng. Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (18/1/2023), ông Ngô Nhật Phương đã thay bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Ngoài ra, vào đầu năm 2022, hệ sinh thái của doanh nhân này còn có thêm CTCP Thuốc lá Đông Dương, đặt trụ sở tại TP.HCM. Thời điểm ban đầu, công ty này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Ông Ngô Nhật Phương (60%), 3 cổ đông khác gồm các ông Phạm Công Nguyên, Nguyễn Văn Thiệp, Nguyễn Văn Việt và Ngô Nhật Phương Trung, mỗi người góp 10%.
Nửa năm sau đó, công ty này đổi tên thành CTCP Thuốc lá và Khoáng sản Đông Dương và đăng ký hoạt động chính trong mảng bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Ngô Nhật Phương.