Ngày 15/11, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC), Nguyễn Cảnh Tĩnh đã tham gia đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về kết quả thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36).
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và các thành viên đoàn.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.
Thông tin tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã báo cáo đoàn công tác về tình hình 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và giải pháp của Nghị quyết, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra mục tiêu “Đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển”.
Đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả như: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2018-2022, tương đương mức bình quân chung cả nước; Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 44 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2018 nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước; Tốc độ đổi mới công nghệ năm 2022 đạt 23%, tăng 2% so với năm 2020.
Sự cố môi trường biển trước đây đã được khắc phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với biển trở lại bình thường. Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường vùng ven biển đã được xây dựng và hoàn thiện.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược, Hà Tĩnh đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo sự chỉ đạo của Đảng, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững. Đa dạng hóa công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động trong các ngành nghề kinh tế biển; Ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; Tập trung đầu tư hạ tầng các tuyến giao thông chiến lược. Trong phát triển kinh tế biển, tỉnh chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; phát triển công nghiệp ven biển.
Cùng với phát triển kinh tế – xã hội từ biển, Hà Tĩnh cũng chú trọng tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh thực thi pháp luật trên biển; chủ động, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đạt được trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Các đại biểu cũng định hướng cho tỉnh những giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch dịch vụ biển, các ngành công nghiệp gắn với biển và ven biển, phát triển logistics…
Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh đánh giá Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển kinh tế biển khi có ưu thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam, Đông – Tây, với bờ biển dài 137km.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế biển, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh đề xuất Hà Tĩnh cần phát triển dịch vụ hậu cần sau cảng, các trung tâm logistics để thu hút nguồn hàng và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh. Tổng giám đốc VIMC cũng đề nghị Hà Tĩnh thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển theo mô hình “cảng – đô thị – biển”. Mô hình này sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Hà Tĩnh.
Chia sẻ thêm về vai trò của VIMC trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Việt Nam, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, là doanh nghiệp chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, VIMC hoạt động trong 03 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Để góp phần trong công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, VIMC đã triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, Nghị quyết số 36-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước ta, một quốc gia có bờ biển dài hơn 3.200km; với hơn 3.000 đảo và quần đào lớn nhỏ, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược không chỉ là phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa đăc biệt về quốc phòng an ninh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh nói chung cũng như trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và những chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Công nghiệp ven biển chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất ngành thủy sản còn nhỏ; Hoạt động du lịch biển còn mang tính thời vụ; Chất lượng nguồn nhân lực ngành biển còn thấp…
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Đồng chí cũng đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc để phục vụ cho công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả trong phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh mới.