Từ vài năm nay, thế giới đã bước vào quá trình chuyển đổi quy mô lớn về hướng xe ôtô điện, với những động lực quan trọng như các tiến bộ công nghệ, chính sách hỗ trợ của các chính phủ và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Cho đến nay, những tiến bộ công nghệ đã giúp tăng đáng kể mật độ năng lượng trong pin xe ôtô điện, tạo điều kiện tăng tầm hoạt động của xe đồng thời giảm chi phí mua và sở hữu xe đến mức tương đương các loại xe chạy xăng truyền thống. Một số chính phủ đã đưa ra các hỗ trợ và ưu đãi thuế cho người sử dụng cũng như các nhà sản xuất xe ôtô điện, song song với những kế hoạch loại bỏ dần xe động cơ đốt trong truyền thống. Trong khi đó, công suất ngày càng lớn của pin xe ôtô điện và cơ sở hạ tầng hệ thống sạc điện công cộng ngày càng phát triển đang tiếp tục giúp giảm đi những băn khoăn về tầm hoạt động cũng như lo ngại của các chủ xe về khả năng xe hết điện trước khi đến trạm sạc pin.
Những yếu tố trên đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh số xe ôtô điện trên toàn cầu. Những dự báo mới đây cho thấy, lượng xe ôtô điện bán ra vào năm 2025 trên toàn cầu sẽ lên đến 18 triệu chiếc, tăng mạnh so với 2,3 triệu chiếc vào năm 2020, tức là sẽ tăng gấp 4 lần sau thời gian 5 năm. Đến năm 2045, dự kiến sẽ có 65 triệu xe ôtô điện chạy pin được bán ra hàng năm, chiếm 2/3 tổng số xe ôtô hạng nhẹ trên toàn cầu.
Sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chấp nhận và sử dụng xe ôtô điện trên toàn cầu trong 20 năm tới sẽ liên kết chặt chẽ với sự phát triển của các loại pin LFP (liti sắt phốtphat). Ở phạm vi nhỏ hơn, các loại pin LMFP (liti mangan sắt phốtphat) cũng sẽ trở nên ngày càng phổ biến. Năm 2020 các loại pin LFP và LMFP chỉ chiếm khoảng 15% thị trường xe ôtô điện toàn cầu. Theo dự báo của các công ty phân tích thị trường, thị phần của các loại pin này sẽ tăng đến 33% vào năm 2025 và 37% vào năm 2035.
Đồng thời, sự tăng trưởng nhu cầu pin LFP sẽ kéo theo nhu cầu axit phốtphoric tinh khiết. Công ty phân tích thị trường CRU Group dự báo, quy mô của ngành sản xuất axit phốtphoric tinh khiết toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Theo CRU, nếu Trung Quốc tiếp tục chi phối sản xuất catôt LFP và sản xuất sắt phốtphat toàn cầu, nhu cầu axit phốtphoric tinh khiết liên quan đến LFP tại Bắc Mỹ và châu âu sẽ chỉ tăng tổng cộng 4% vào năm 2045. Trong trường hợp này, hai khu vực trên sẽ phải nhập khẩu catôt LFP từ Trung Quốc để cung cấp cho các nhà máy sản xuất pin xe ôtô điện của mình. Khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung ứng hàng đầu thế giới đối với catôt LFP, quy mô thị trường axit phốtphoric tại đây sẽ tăng gấp đôi (110%) vào năm 2045.
Nhưng nếu các khu vực Bắc Mỹ và châu âu nội địa hóa toàn bộ sản xuất catôt LFP cũng như sắt phốtphat và không phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nhu cầu axit phốtphoric tinh khiết tại hai khu vực đó sẽ tăng đáng kể. Tại Bắc Mỹ, nhu cầu axit phốtphoric tinh khiết đến năm 2045 sẽ tăng 60%, trong khi đó nhu cầu đối với hóa chất này ở châu âu sẽ tăng gần gấp đôi (90%).
Nhìn chung ở quy mô toàn cầu, cho dù Trung Quốc tiếp tục chi phối sản xuất catôt LFP và sắt phốtphat hay các khu vực khác sẽ sản xuất đủ để tự cung tự cấp những nguyên liệu đó, về dài hạn nhu cầu axit phốtphoric tinh khiết sẽ vượt xa công suất hiện nay trên toàn cầu, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất LFP.
Về cơ bản, sự tăng trưởng của nhu cầu LFP sẽ đòi hỏi công suất axit phốtphoric tinh khiết trên toàn cầu phải tăng gần gấp đôi (95%) vào năm 2045. Nhưng trong trường hợp nhu cầu LFP tăng trưởng mạnh hơn, công suất axit phốtphoric tinh khiết trên toàn cầu có thể sẽ phải tăng 120% so với hiện nay.