Tổng tài sản trung bình trên mỗi người trưởng thành ở Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm kể từ năm 2020 chủ yếu do giá nhà ở liên tục sụt giảm. Nhiều người trong tầng lớp trung lưu của nền kinh tế thứ hai thế giới giờ đây thận trọng hơn bằng cách dừng đầu tư và tập trung bảo vệ của cải.
Khủng hoảng bất động sản giáng đòn mạnh
Nhìn lại tài chính của bản thân trong năm 2023, Thomas Zhou, nhân viên tài chính 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết vốn đầu tư chứng khoán giảm 30%, lương giảm 30% và giá của các bất động sản đầu tư của anh cũng giảm 20%.
“Thật là đau lòng. Điều duy nhất giúp tôi tiếp tục cố gắng là ý nghĩ duy trì công việc để có thể hỗ trợ gia đình”, Zhou bày tỏ.
Tình trạng khó khăn của Zhou cũng là mẫu số chung của nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, nơi cơn suy thoái của thị trường bất động sản và chứng khoán đang bào mòn tài sản của các hộ gia đình. Và khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực lấy lại xung lực tăng trưởng nhiều năm phong tỏa kiểm soát Covid-19, nguy cơ thất nghiệp ngày càng tăng.
Giờ đây, các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tính toán lại về các ưu tiên tiền bạc, với một số người quyết định dừng đầu tư hoặc bán tài sản để giải phóng thanh khoản.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tài sản gia đình là cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng sâu rộng đến một xã hội nơi mà 70% tài sản gia đình gắn liền với bất động sản. Theo Bloomberg Economics, trung bình cứ 5% mức giảm của giá nhà sẽ làm mất đi 19 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,7 nghìn tỉ đô la Mỹ) trị giá tài sản nhà ở Trung Quốc.
“Đây có thể chỉ là khởi đầu cho tình trạng tài sản bị mất mát nhiều hơn trong những năm tới. Trừ khi thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ, những cải thiện nhỏ về tài sản tài chính khó có thể bù đắp được những tổn thất về trị giá tài sản nhà ở”, Eric Zhu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics, bình luận.
Trong khi dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy giá nhà hiện tại chỉ giảm nhẹ, thì các nhân viên môi giới bất động sản và nhà cung cấp dữ liệu tư nhân chỉ ra rằng giá nhà giảm ít nhất 15% ở các khu vực đắc địa tại các thành phố lớn nhất nước này.
Theo Bloomberg Economics, giá trị của lĩnh vực nhà ở có thể giảm xuống còn khoảng 16% GDP của Trung Quốc vào năm 2026 từ mức khoảng 20% hiện nay. Điều này sẽ khiến khoảng 5 triệu người, tương đương khoảng 1% lực lượng lao động thành thị, có nguy cơ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.
Tài sản của người trưởng thành lần đầu suy giảm kể từ năm 2000
Đầu tư tài chính cũng không giúp ích cho các hộ gia đình Trung Quốc. Thị trường cổ phiếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hiệu suất kém hơn so với các cổ phiếu ở thị trường mới nổi với biên độ chênh lệch tăng trưởng lớn nhất từ năm 1998, tính đến đầu tháng này. Trong ba quí đầu năm, các quỹ tương hỗ ở Trung Quốc đa phần đều thua lỗ. Lợi suất từ các sản phẩm quản lý tài sản của các ngân hàng vẫn ở mức thấp và lãi suất tiền gửi bị cắt giảm ba lần trong năm qua.
Ngành công nghiệp tín thác trị giá 2,9 nghìn tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư giàu có tìm kiếm lợi nhuận cao từ các sản phẩm của các ngân hàng ngầm được quản lý lỏng lẻo, đang có dấu hiệu rạn nứt, với một vụ bê bối gần đây có khả năng gây thiệt hại hàng chục tỉ đô la.
Giá trị tài sản ròng (sau khi trừ nợ) của mỗi người trưởng thành ở Trung Quốc giảm 2,2% xuống còn 75.731 đô la vào năm 2022, ngân hàng UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu hồi tháng 8. Trong khi đó, tổng tài sản của mỗi người trưởng thành ở Trung Quốc giảm lần đầu tiên từ năm 2000 khi tài sản phi tài chính mất giá do thị trường nhà ở khó khăn.
Nhân viên truyền thông Echo Huang chứng kiến giá trị bất động sản đầu tư của cô ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang giảm khoảng 1 triệu nhân dân tệ (140 nghìn đô la) so với mức đỉnh năm 2019. Dù vậy, cô vẫn thấy may mắn vì đã bán bất động sản này vào tháng 5 trước khi giá giảm sâu hơn.
Huang đã đưa phần lớn số tiền thu được từ việc bán bất động sản cho cha mẹ để tiết kiệm khi nghỉ hưu. Phần còn lại, cô gửi tiết kiệm không kỳ hạn ở ngân hàng cũng như gửi vào quỹ tiền tệ cho phép rút tiền bất cứ khi nào. Cô đã dừng đầu tư vào cổ phiếu sau khi số cổ phiếu nắm giữ hiện tại của cô mất sạch thành quả lợi nhuận kể từ năm 2018.
“Công ty của tôi đang vật lộn để tồn tại, và ai biết liệu một ngày nào đó, tôi có thể bị giảm lương hoặc thậm chí bị sa thải? Mục tiêu chính của tôi là sự ổn định tài sản và có đủ thanh khoản trong tay”, người phụ nữ 39 tuổi nói.
Ưu tiên bảo vệ của cải
Theo một cuộc khảo sát chung của China Merchants Bank Co. và Bain & Co., ngay cả nhóm cá nhân có giá trị ròng cao của Trung Quốc cũng đang trở nên thận trọng hơn. Tỷ lệ các cá nhân trong nhóm này xem “bảo vệ tài sản” là mục tiêu tài chính quan trọng tăng mạnh trong năm 2023.
Peter Bao, người làm việc tại một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh, đang theo đuổi chiến lược đầu tư thận trọng. Lượng cổ phiếu mà anh nắm giữ, chủ yếu là cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, có thời điểm giảm một nửa giá trị, tương đương khoảng 5 triệu nhân dân tệ (700 nghìn đô la Mỹ) so với mức đỉnh cuối năm 2020. Trong hai năm qua, anh đã chuyển một phần tài sản sang các quỹ thị trường tiền tệ và các sản phẩm thu nhập cố định đòi hỏi ít phân tích hơn. Bao hy vọng có thể chịu được những biến động ngắn hạn và những khoản lỗ tiềm ẩn.
“Không có khoảnh khắc nào mà tôi không lo lắng và hoài nghi, nhưng không có lựa chọn nào tốt hơn. Ngoài ra, tôi cần tập trung vào công việc để bảo vệ nguồn thu nhập, vì vậy, tôi thực sự không thể dành nhiều thời gian hơn để khám phá những khoản đầu tư đáng tin cậy khác”, Bao nói.
Khi không còn nhiều cơ hội đầu tư tốt để phát triển của cải, Dani Wang, 35 tuổi, cho biết cô đang án binh bất động và hy vọng nền kinh tế trong nước và thị trường vốn sẽ cải thiện vào năm 2026. Cô đã xóa các ứng dụng giao dịch và không có kế hoạch điều chỉnh khoản đầu tư trị giá 1 triệu nhân dân tệ ở cổ phiếu và quỹ vốn cổ phần tư nhân, thậm chí không kiểm tra giá cả. Cô cũng cũng phớt lờ mọi biến động trong khoản đầu tư tiền ảo Dogecoin 50.000 nhân dân tệ được thực hiện vào đầu năm 2022, vốn đã giảm một nửa giá trị.
Lily Liu, công nhân ngành công nghệ ở Hàng Châu, người quản lý số tiền tiết kiệm vài triệu nhân dân tệ của gia đình cô, cũng có chung quan điểm. Trong khi thu nhập từ công việc kinh doanh bất động sản của cha mẹ cô giảm mạnh, lương của chồng cô tăng đáng kể trong những năm gần đây, giúp Liu có nhiều nguồn tiền khả dụng hơn. Liu đang rao bán một trong hai căn nhà nhưng chưa biết đầu tư số tiền thu được vào đâu.
“Tôi cảm thấy khả năng chấp nhận rủi ro và triển vọng gia tăng của cải đang giảm đi. Tôi sẽ không dành thời gian hơn cho đầu tư vì điều này có thể không mang lại kết quả trong môi trường vĩ mô hiện tại”, cô bày tỏ.