• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 6:29:54 CH - Mở cửa
Nghèo ở thủ phủ ‘vàng xanh’ [Bài 2]: Mạnh ai nấy làm, bao giờ mới giàu?
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 06/12/2023 6:00:00 SA
Khi cần tiền tiêu, ông Liên bàn với vài hộ gia đình lên đồi chặt luồng bán cho thương lái. Vì giá luồng bấp bênh nên thu nhập của người dân cũng không ổn định.
 
Giá luồng cao, dân sẽ được nhờ
 
Thanh Hóa là địa phương có diện tích tre, luồng lớn nhất, với hơn 78.000ha, chiếm tới 50% diện tích luồng cả nước. Vùng trồng luồng chủ yếu tại huyện Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn... 
 
Huyện Lang Chánh được xem là "thủ phủ" của cây tre, luồng Thanh Hóa với diện tích hơn 13,6 nghìn ha, sản lượng khai thác hơn 11 triệu cây/năm. Toàn huyện có 52.000 dân trong đó có tới 80% người dân trồng luồng và sinh sống bằng nghề này. Tuy nhiên, do liên kết sản xuất lỏng lẻo, công với giá luồng lúc lên, lúc xuống, thậm chí bị thương lái ép giá, nên dù có gắng sức đến mấy, người nông dân cũng khó làm giàu từ cây luồng. 
 
 
Huyện Lang Chánh được xem là thủ phủ của cây luồng Thanh Hóa với diện tích hơn 13,6 nghìn ha, sản lượng khai thác hơn 11 triệu cây. Ảnh: Quốc Toản.
 
Ông Lê Văn Liên (xã Đồng Lương, Lang Chánh) gắn bó với nghề trồng luồng đã 40 năm nay. Chủ đồi luồng nhẩm tính, sau khi trừ đi công cán, tiền thuê xe vận chuyển, ông nhận về số tiền tương đương 1/3 giá trị cây luồng. Như vậy, với 8ha rừng, mỗi năm rừng luồng chỉ cho gia đình ông thu nhập khoảng 40 đến 50 triệu đồng. Thấy nghề luồng vất vả nên mấy đứa con ông Liên không đứa nào nối nghiệp cha ông.
 
Ông Liên bảo: “Cứ đến vụ giáp hạt hoặc đầu năm học mới, vài gia đình lại bàn nhau lên rừng chặt tre luồng để bán để chi tiêu trong nhà, mua sắm đồ dùng, sách vở cho bọn trẻ.
 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80.000 tấn nguyên liệu khác như mùn cưa, phục vụ chế biến và xuất khẩu, giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt trên 552 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu bình quân 2,17 triệu USD, giải quyết việc làm cho 102 nghìn lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp. 
 
Vậy nhưng giá luồng năm nào cũng bấp bênh. Tháng 5 - 6 giá luồng đắt vì bà con tập trung làm đồng nên nguồn hàng nhập cho thương lái nhỏ giọt. Tuy nhiên, dịp đầu năm giá lại xuống thấp vì đây là khoảng thời gian rảnh, bà con tranh thủ lên đồi thu hoạch luồng nên cung vượt cầu. Giá tre, luồng lên xuống từng thời điểm nên nông dân thu nhập cũng không ổn định”.
 
Cũng theo ông Liên, hiện nay trên địa bàn xã chưa thành lập tổ đội sản xuất, hoặc hợp tác xã tre, luồng theo hướng chuyên biệt để hỗ trợ nhau sản xuất, nên việc kinh doanh buôn bán vẫn còn mang tính tự phát, thu nhập không cao. Bởi vậy, người dân nhiều đời nay vẫn loay hoay tìm lối ra cho cây tre, luồng bản địa...
 
Nói về cây tre, luồng Lang Chánh, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang khẳng định, không địa phương nào "vượt mặt" được huyện Lang Chánh. Luồng bản địa có đặc trưng dày thành, chắc, độ đồng đều cao nên được thương lái rất ưa chuộng.
 
Vị Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh thú thật, cây tre, luồng mới chỉ giúp các địa phương trong huyện xóa đói, giảm nghèo chứ người dân chưa thể giàu vì cây luồng.
 
“Khi nào tre, luồng trở thành hàng hóa quy mô lớn, người dân mới có thu nhập cao. Tôi nói đơn giản, chỉ cần giá luồng tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi thì không cần chính sách trợ lực của nhà nước, người dân sẽ tập trung phát triển rừng luồng”, ông Tiến thẳng thắn.
 
Mấy năm nay, huyện Lang Chánh được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ làm 10km đường phục vụ cho hoạt động sản xuất luồng, nhưng chừng ấy chưa thấm tháp gì so với diện tích tre, luồng mà địa phương hiện có và nhu cầu khai thác và vận chuyển nguyên liệu của người dân. Ngoài ra, nguồn lực lao động trồng và chăm sóc cây luồng chủ yếu là người có tuổi, còn lao động trẻ không mặn mà gì trồng luồng nên tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh để cải thiện thu nhập.
 
Lang Chánh vẫn nằm trong nhóm huyện nghèo nhất của tỉnh và cả nước. Hiện nay, tổng số hộ nghèo trong toàn huyện còn 25,27% (giảm 5,35% so với cuối năm 2021); tổng số hộ cận nghèo còn 34,71% (giảm 2,77% so với cuối năm 2021). Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,49%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 28,55%.
 
Thiếu cơ sở chế biến sâu
 
Nhà máy chế biến tre, luồng ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Bamboo King Vina tại huyện Lang Chánh được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thủ phủ luồng "thay da đổi thịt", cải thiện thu nhập cho bà con, nhờ nâng cao giá trị cây tre luồng. Dự án có công suất chế biến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng trên diện tích 15ha. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động 100% công suất sẽ giải quyết việc làm cho 1.500 lao động và hàng chục nghìn lao động gián tiếp tại huyện Lang Chánh và các huyện lân cận. 
 
Đến thời điểm này, nhà máy đã bắt đầu đi vào hoạt động với các ngành nghề sản xuất ván ép, đồ gia dụng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre luồng. Dự án lớn, thế nhưng đến nay kỳ vọng về sự thay đổi về chất và lượng từ cây luồng dường như vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi bây lâu của chính quyền và người dân địa phương.
 
Ông Lê Đức Tiến chia sẻ: “Giá mua luồng đầu vào của Công ty cũng không cao hơn thị trường bao nhiêu. Trong khi đó, mặc dù đầu tư lớn, nhưng sản lượng và quy mô sản xuất của công ty chưa tương xứng như cam kết đầu tư. Hiện nay, lực lượng lao động làm việc tại nhà máy khoảng 200 người, nhưng chưa thấy họ có sản phẩm chủ lực nào từ tre, luồng ghi dấu ấn. Sắp tới, địa phương sẽ có thêm nhà máy chế biến tre luồng của Công ty Hòa Phát (trụ sở tại Hà Nội) để nâng cao khả năng chế biến và tăng giá trị sản phẩm tre luồng bản địa”.
 
 
 
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, mặc dù là địa phương có diện tích rừng tre, luồng lớn nhưng mới có 7 cơ sở chế biến sâu (7/57 cơ sở chế biến, chiếm 12%). Cơ quan này cũng chỉ rõ nhiều hạn chế trong sản xuất tre, luồng tại nhiều địa phương trong huyện, cụ thể: Hình thức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu; việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản phẩm làm từ cây luồng chủ yếu là sản phẩm thô hoặc làm nguyên liệu trung gian; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao. Tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến còn thấp (ước đạt 40%), sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị sản xuất thấp, gây lãng phí tài nguyên.
 
Mặt khác, sản phẩm hầu hết chưa xuất khẩu trực tiếp mà phải phụ thuộc vào các đơn vị xuất khẩu của tỉnh; hầu hết thiết bị và công nghệ chế biến được nhập đã cũ và lạc hậu, công suất thấp dẫn đến chi phí, hiệu quả sản xuất chưa cao. 
 
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, để phát triển tre. luồng trở thành vùng hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho bà con, giảm nghèo bền vững, ngoài các giải pháp thâm canh, tăng năng suất, các địa phương trong tỉnh cần thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC gắn chế biến với xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị cây luồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ sản xuất hiện đại gắn với chế biến  hạn chế việc chế biến thô, giá trị thấp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân...