• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:26:03 SA - Mở cửa
Nghề nuôi biển: Nhiều rào cản phải tháo gỡ
Nguồn tin: Vneconomy | 04/12/2023 10:25:26 SA

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đang nuôi trồng hải sản nhưng chưa được giao mặt biển theo quy định của pháp luật. Vấn đề này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư nuôi biển, thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo…

Sản lượng nuôi biển đã về đích 800.000 tấn

Chủ trì Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết một trong những điều kiện để được Ủy ban châu Âu gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là phải giảm cường lực đánh bắt từ 3,8 triệu tấn/năm hiện nay, xuống dưới 2 triệu tấn/năm. Muốn vậy phải thúc đẩy nuôi trồng theo chuỗi khép kín để đạt sản lượng nuôi biển 2 triệu tấn/năm vào năm 2035.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… Hiện nay, nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, con giống cũng phong phú. Đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới.

NGÀNH NUÔI BIỂN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Mặc dù vậy, ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nghệ sản xuất giống, quản lý môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu.

"Tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè".

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản.

Nêu bức tranh toàn cảnh về nghề nuôi biển, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, cho biết hiện diện tích nuôi biển ở nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng hải sản nuôi thu hoạch năm 2022 đạt 750.000 tấn, năm 2023 có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong đó, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể (chủ yếu ngao, sò) lớn nhất với 57.000 ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Nuôi cá biển khoảng 11.000 ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn.

Từ thực tế địa phương, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm, vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng hải sản. Hiện Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng hải sản, sản lượng hàng năm 18.000 tấn.

Các đối tượng nuôi chính trên biển tại Khánh Hòa là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm…Tuy vậy, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa chủ yếu là nuôi gần bờ với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nuôi trồng hải sản trên biển đã nêu lên những vướng mắc trong việc giao, cấp quyền sử dụng mặt nước cho nuôi hải sản. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), cho biết việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo Luật Thủy sản và Luật Đất đai.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để nuôi trồng thủy sản. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc giao và cấp quyền sử dụng mặt biển để thúc đẩy nuôi biển, ông Huyên cho biết Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tham mưu cho Quốc hội phê duyệt “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch này hướng tới mục tiêu, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NUÔI BIỂN

Nhiều ý kiến tại hội nghị đã đề xuất những giải pháp thúc đẩy nuôi biển. Đó là, cần phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.

Ngoài ra, cần phát triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác (mỹ phẩm, dược phẩm,...), nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh. Cần khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng hải sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ nay đến năm 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng nuôi biển 1,45 triệu tấn/năm. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở thêm thị trường tiêu thụ hải sản. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và nuôi biển: số hóa việc cấp mã số vùng nuôi, giải quyết thủ tục cấp phép, giám sát hoạt động nuôi biển.

Chương Phượng