Các dự án dự kiến hoạt động trong năm 2025 không chỉ ở một số lĩnh vực truyền thống như cơ khí, chế tạo, thép… mà còn có nhiều nhà máy sản xuất các loại sản phẩm mới.
Sơ chế trái cây để sản xuất nước ép tại Công ty cổ phần Nước giải khát Wana (Khu công nghiệp Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Nhiều dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị sản xuất, tạo nguồn thu, đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp nói riêng, mục tiêu tăng trưởng GRDP “2 con số” của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.
Tháng 3/2024 Công ty TNHH ống thép Sài Gòn đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức. Nhà máy này chuyên sản xuất sắt, thép cung ứng thị trường trong nước và quốc tế, chủ yếu các nước khu vực Đông Nam Á.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, đến cuối năm 2024 sản lượng công ty đạt 140.000 tấn, tương đương 70% công suất thiết kế. Với tiềm năng và thị trường mở rộng, năm 2025 công ty đã nâng công suất sản xuất lên 100% để đáp ứng các đơn hàng. Hệ thống máy móc công ty cũng được đầu tư mới hoàn toàn và tự động hóa đến 70% các khâu sản xuất.
Ông Phan Tuấn Vũ, Giám đốc nhà máy, Công ty TNHH ống thép Sài Gòn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ, đơn vị phải đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2025 đã đưa những sản phẩm mới, tích cực hơn, chất lượng hơn để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Mặc dù thị trường có biến động nhưng riêng sản phẩm ống thép của công ty vẫn sôi động, nhiều tiềm năng.
Tháng 3/2025, nhà máy sản xuất sản phẩm nước trái cây của Công ty cổ phần Nước giải khát Wana (Khu công nghiệp Châu Đức) chính thức vận hành thương mại sau thời gian 6 tháng hoạt động thử nghiệm. Các sản phẩm của nhà máy sản xuất ra được xuất khẩu sang các thị trường của 40 quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ, Australia… với tổng công suất quy đổi tương đương 300 TEU/tháng.
Theo ông Nguyễn Duy Khanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nước giải khát Wana, sản phẩm là hàng xuất khẩu, nên doanh nghiệp tập trung thực hiện giải pháp để quảng bá thương hiệu đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, đơn vị còn đa dạng hóa hình thức thương mại từ “online đến offline”. Nhờ đó, sản phẩm nước giải khát của Wana ngày càng được nhiều khách hàng trên thế giới biết đến. Hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển thêm 180 lao động để hoạt động với công suất tối đa vào tháng 9/2025. Mục tiêu trong thời gian tới của công ty là phát triển mở rộng hướng đến tiêu thụ cả thị trường trong nước, đa dạng hóa khách hàng để dây chuyền sản xuất của công ty hoạt động ổn định hơn - ông Khanh chia sẻ.

Dây chuyền sản xuất nước ép trái cây của Công ty Cổ phần Nước giải khát Wana (Khu công nghiệp Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Việc dự án đi vào hoạt động không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm sản phẩm công nghiệp mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, từ đầu năm 2025 đến nay, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều dự án của các nhà đầu tư FDI đi vào hoạt động.
Tháng 3 vừa qua, nhà máy của Công ty Mi-Jack Manufacturing Global Việt Nam (Mỹ) chuyên sản xuất các thiết bị cầu trục, xe nâng, hạ và bốc xếp cùng các phụ tùng của thiết bị đi kèm vừa chính thức đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thành phố Phú Mỹ. Với tổng vốn đầu tư 29 triệu USD, nhà máy sản xuất 8.000 tấn sản phẩm/năm trong giai đoạn 1 (thêm 4.000 tấn/năm khi hoàn thành giai đoạn 2).
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, riêng trong tháng 4/2025 có 5 dự án công nghiệp đi vào hoạt động. Lũy kế đến 4/2025, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 10 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 482 dự án. Đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt của tỉnh 4 tháng đạt hơn 130.700 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 55 dự án đang khởi công và xây dựng trong năm 2025. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm hơn 20 dự án nữa đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp, trở thành một động lực quan trọng cho mục tiêu phát triển GRDP 2 con số của tỉnh; đặc biệt trong bối cảnh một số ngành công nghiệp trọng điểm đang gặp khó khăn do biến động chính trị trên thế giới.
Các dự án dự kiến hoạt động trong năm 2025 không chỉ ở một số lĩnh vực truyền thống, thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu như cơ khí, chế tạo, thép… mà còn có nhiều nhà máy sản xuất các loại sản phẩm mới không chỉ với Việt Nam mà còn trong khu vực, châu lục.
Như nhà máy sợi carbon của Tập đoàn Hyosung với tổng vốn đầu tư 560 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025. Đây là một trong những dự án trọng điểm trong định hướng “đặt tương lai 100 năm tại Việt Nam” của tập đoàn hóa chất hàng đầu Hàn Quốc này.
Dự án này không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn là một trong những bước đầu tiên trong định hướng xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành Trung tâm công nghệ sinh học tiên tiến của cả nước và khu vực. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đang hỗ trợ các thủ tục để triển khai dự án đúng tiến độ đề ra, sớm đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 17 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó có 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỉ lệ lấp đầy 69,42%/13 khu công nghiệp đang hoạt động.
Theo ông Võ Thanh Phong, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đơn vị không chỉ chú trọng đến xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án vào khu công nghiệp mà còn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án, bởi đến khi nhà máy được khởi công, xây dựng thì nguồn vốn mới thực sự mang lại giá trị.
Ông Phong cho biết, tỉnh luôn xác định đồng hành, cam kết hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp đang triển khai dự án và cả những dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có kế hoạch phát triển khu công nghiệp bài bản và có lộ trình rõ ràng. Dự kiến đến năm 2028, sẽ có nhiều khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, thu hút các dự án thứ cấp chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển chung.
Hoàng Nhị-Link gốc