Đó là mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 64/KH-UBND về trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2024- 2025 do UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành.
Theo kế hoạch, đối tượng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là các tổ chức, cá nhân sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Bắc Giang đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: baobacgiang.com.vn
Điều kiện được hỗ trợ là diện tích trồng phải phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các tổ chức, cá nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định giao rừng của cấp có thẩm quyền; có hồ sơ thiết kế - dự toán trồng rừng gỗ lớn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 10 ha trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh và 5 ha trở lên đối với cây sinh trưởng chậm. Thời gian tối thiểu để khai thác rừng là 10 năm đối với loài cây sinh trưởng nhanh, 15 năm đối với loài cây sinh trưởng chậm kể từ thời điểm trồng.
Kinh phí hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh. Cụ thể, đối với cây trồng sinh trưởng nhanh hỗ trợ 5,0 triệu đồng/ha vào năm 1; cây trồng sinh trưởng chậm hỗ trợ 20,0 triệu đồng/ha vào năm 1. Ngoài ra, hỗ trợ 1 lần kinh phí cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ dự toán với mức 1,0 triệu đồng/ha.
Đối với chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển hóa khoảng 5.783 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Nhà nước không hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Các tổ chức, hộ gia đình cá nhân tự bỏ vốn và nguồn nhân lực để thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên diện tích của đơn vị, gia đình mình.