Các chỉ số chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, khi sự lạc quan từ đầu năm của nhà đầu tư phải đối mặt với những “bài test” đầu tiên.
Theo đó, chỉ số S&P 500 tăng 8,96 điểm, tương đương 0,2%, lên 4.090,46 điểm, hồi phục phần nào sau khi giảm điểm hồi đầu phiên. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 169,39 điểm, tương đương 0,5%, lên 33.869,27 điểm. Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,61% xuống 11.718,12 điểm.
Dù tăng trong phiên giao dịch 10/2, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 0,17% trong tuần qua. Các chỉ số S&P 500, Nasdaq cũng giảm lần lượt 1,11% và 2,41%, tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.
Đà tăng của thị trường đứng trước một số “bài test” lớn thời gian gần đây, trong đó bao gồm quyết định tăng lãi suất của Fed, báo cáo việc làm tháng 1 và phát biểu của các quan chức Fed về triển vọng lộ trình chính sách tiền tệ.
Kinh tế Mỹ có thêm nửa triệu việc làm mới trong tháng đầu tiên của năm mới, cao gấp nhiều lần dự báo của giới chuyên gia trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm về ngưỡng thấp nhất hơn nửa thập kỷ. Nhà đầu tư quan ngại báo cáo việc làm tháng vừa qua có thể là tiền đề để Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong khoảng thời gian lâu hơn dự báo.
Bên cạnh đó, dù tăng lãi suất 0,25%, chậm hơn 6 lần tăng trước đó, các quan chức Fed vẫn thiên về khả năng tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm sớm đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%.
Trong giai đoạn bận rộn nhất của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả vượt dự báo không còn nhiều như thời gian trước, phần nào phản ánh những khó khăn mà họ gặp phải. Có tới 58 doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 đưa ra dự báo tiêu cực cho quý I/2023 trong khi chỉ có 13 doanh nghiệp làm điều ngược lại, theo FactSet.
Tuần tới, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm các dữ liệu kinh tế quan trọng nhằm có cái nhìn rõ hơn về lộ trình lãi suất của Fed cũng như “sức khỏe” của người tiêu dùng Mỹ bao gồm báo cáo lạm phát tháng 1, báo cáo kết quả kinh doanh của Coca-Cola, Marriott International và Kraft Heinz.
⛽ Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 2% sau khi Nga tuyên bố kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,89 USD, tương đương 2,2%, lên 86,39 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,66 USD/thùng, tương đương 2,1%, lên 79,72 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent, WTI tăng lần lượt 8,1% và 9,6%.
Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nước này dự kiến cắt giảm khoảng 500.000 thùng dầu/ngày, tương đương 5% sản lượng, bắt đầu từ tháng 3 tới. Đây được coi là động thái đáp trả lại một loạt các lệnh cấm vận của phương Tây, nhằm kéo giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Sau quyết định trên của Nga, hai thành viên OPEC+ chia sẻ với Reuters rằng tổ chức này không sớm thay đổi kế hoạch sản lượng trước đó với mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các quan chức OPEC dự báo giá dầu sẽ quay lại đà tăng trong năm 2023 nhờ vào đà hồi phục nhu cầu tại Trung Quốc. Họ dự báo giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng.
GÃ ĐẦU TƯ