Năm 2022 ghi nhận thách thức lớn đối với ngành xây dựng cũng như các cổ phiếu ngành. Bên cạnh số ít doanh nghiệp có sự tăng trưởng thì phần lớn doanh nghiệp khác, thậm chí là các ông lớn đầu ngành đều báo... lỗ khủng.
Tương lai nào cho cổ phiếu của ‘ông lớn’ xây dựng Hòa Bình?
Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức lỗ ‘khủng’ hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2022
Nguyên nhân là bởi các nhà phát triển bất động sản bị ảnh hưởng khá nặng từ những biến động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến thanh khoản suy giảm và làm trì trệ quá trình phát triển dự án.
Sự trượt dài của các “ông lớn”
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, bê tông, cát, gạch… tăng mạnh từ thời điểm cuối 2021 đến Quý III/2022. Trong khi đó, các gói thầu được ký kết trước và có độ trễ kể từ lúc ký hợp đồng cho đến lúc thi công khiến cho giá trúng thầu và giá thi công chênh lệch ngày càng lớn, xói mòn biên lợi nhuận và thậm chí có thể gây lỗ ở một số dự án.
Nhiều dự án đình trệ là nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng.
Thực tế, kết quả kinh doanh của 95 doanh nghiệp Xây dựng niêm yết trong Quý 3/2022 phản ảnh rõ bức tranh toàn ngành: 46 công ty báo lỗ; 33 công ty tăng trưởng âm về doanh thu; 56 công ty tăng trưởng lợi âm về nhuận sau thuế.
Sang đến Quý IV, dù các nhà thầu xây dựng đã cho thấy sự phục hồi doanh thu nhưng tính chung cả năm 2022, “ông lớn” trong ngành vẫn báo lỗ nặng.
Điển hình, trong năm 2022, mặc dù doanh thu thuần tăng mạnh 60% so với năm tài chính 2021 nhưng do các khoản phải thu vượt 11.600 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho cũng tăng gần 70%, khiến CTCP Xây dựng Coteccons (
CTD) vẫn tiếp tục trượt dài lợi nhuận với mức đáy mới 21 tỷ đồng. Khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi tính đến cuối năm 2022 lên đến hơn 1.049 tỷ đồng.
Đồng thời, dòng tiền kinh doanh âm đến 1.626 tỷ đồng, trong khi năm trước đó dù chật vật vẫn dương 421 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản nợ cũng tiếp tục tăng 60%, lên đến gần 10.751 tỷ đồng, trong đó hơn 10.224 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.
Nặng nề hơn, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (
HBC) báo lỗ ròng năm vừa qua hơn 1.140 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên nhà thầu xây dựng này báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Hòa Bình lên đến gần 17.000 tỷ đồng, nhưng hơn 70% số này là các khoản phải thu ngắn hạn.
Mặt khác, tổng nợ phải trả vượt 14.280 tỷ đồng, với nợ vay ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Lưu chuyển tiền thuần cả năm của công ty cũng âm hơn 200 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dương 490 tỷ đồng năm 2021.
Trong khi đó, CTCP Fecon (
FCN) ghi nhận mức lãi thấp nhất kể từ khi niêm yết (tháng 7/2012) với lợi nhuận trước thuế 77,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 51,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 27% so với năm 2021.
Sáng hơn, Hưng Thịnh Incons dù lần lượt giảm 11% doanh thu thuần và 63% lợi nhuận sau thuế nhưng vẫn về nhì trong cuộc đua lãi ròng. Năm tài chính 2022 đem về 5.465 tỷ đồng doanh thu thuần và 88 tỷ đồng lãi sau thuế cho công ty xây dựng này.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (
DPG), doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 đạt lần lượt 3.319 tỷ đồng và 393 tỷ đồng, tăng 30% và 15% so với năm trước.
Hy vọng khởi sắc
Nhìn chung, trong năm 2022, đầu tư công được kỳ vọng mang tới triển vọng lớn cho nhóm cổ phiếu xây dựng, nhất là xây dựng hạ tầng khi được hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân và chi phí vốn khiến cổ phiếu diễn biến không được như kỳ vọng. Lần lượt các cổ phiếu như
VCG (Vinaconex),
HHV (hạ tầng giao thông Đèo Cả),
LCG (Licogi 16),
FCN và
C4G (Cienco4) đều giảm sâu từ 2-3 lần từ đỉnh.
Trong khi đó, thị giá cổ phiếu
HBC đã giảm khoảng 65%, vốn hóa theo đó cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng. Còn so với mức đỉnh 110.000 đồng/cp (25/1/2022), cổ phiếu
CTD đã xuống đáy 25.200 đồng/cp (15/11/2022).
Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ đang nỗ lực gỡ khó cho bất động sản trong vấn đề tín dụng cũng như vốn từ trái phiếu. Bên cạnh đó, dựa trên định hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, cũng như tham chiếu vào các khoản lãi lớn của những doanh nghiệp ngành này như Cienco 4 hay
CII trong năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là "miếng bánh" mới cho Hòa Bình và Coteccons trong năm nay.
Thực tế, dù tình hình kinh doanh thời gian gần đây đi xuống song Coteccons vẫn được đánh giá là doanh nghiệp xây dựng có tiềm lực tốt (vốn chủ dày, lượng tiền mặt dồi dào, nợ vay dù tăng nhưng vẫn tương đối ít).
Về phía Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, ông lớn này vẫn có nhiều động thái mới nhằm "giải nguy" cho mảng dân dụng, mới nhất là khẳng định theo đuổi chiến lược "xuất khẩu xây dựng". Mặt khác, Hòa Bình cũng tỏ rõ mục tiêu lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con vừa trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa.
Ngoài ra, một số tín hiệu đang mang tới kỳ vọng các hoạt động giải ngân đầu tư công được triển khai mạnh mẽ hơn và triển vọng nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng sẽ khởi sắc. Số liệu thống kê cho thấy, giá một số loại nguyên vật liệu chính như thép, nhựa đường, xi măng đều đang trong xu hướng giảm mạnh từ vùng đỉnh.
Mirae Asset đánh giá, hệ thống đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển… sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, các nhà xây dựng trong lĩnh vực Xây dựng Công nghiệp, hạ tầng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư của Chính phủ.
Một số cổ phiếu của các doanh nghiệp trong mảng hạ tầng được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công có thể kể đến như
C4G,
DPG,
FCN,
HHV,
LCG,
VCG. Đây là các công ty đang triển khai các cao tốc trong Giai đoạn 1 hoặc các nhà máy công nghiệp, dự án hạ tầng khác.
“Trong bối cảnh nhiều thách thức phía trước đối với thị trường bất động sản trong 2023, phân khúc nhà ở sẽ tiếp tục ở mức yếu, chỉ một số nhà phát triển bất động sản có quản lý chất lượng cao và nền tảng tài chính vững mạnh mới có thể đưa ra các dự án mới, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn nữa giữa các công ty xây dựng. Do đó, chỉ một số ít nhà thầu có uy tín và thương hiệu mới có thể tiếp tục đảm nhận phân khúc khó khăn này, một số thương hiệu tên tuổi như: Coteccons, Hòa Bình, Central, Delta, Ricons, Newteccons”, Mira Aseet nhận định.