Mặc dù năm 2022 mưa nhiều nên chữ đường ở một số nơi không cao, song các hộ nông dân trồng mía ở Phú Yên vẫn yên tâm bởi giá ổn định nhờ chính sách bảo hiểm của các công ty liên kết đầu tư, thu mua.
Nhờ liên kết với các nhà máy đường nên nông dân tỉnh Phú Yên không lo đầu ra sản phẩm mía nguyên liệu. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Nông dân tỉnh Phú Yên hiện đang bước vào thu hoạch mía niên vụ 2022-2023. Năm qua do có mưa nhiều nên chữ đường (CCS) của mía ở một số nơi đạt thấp. Tuy vậy, nhờ chính sách bảo hiểm của các công ty liên kết đầu tư, thu mua nên giá mía vẫn giữ được ổn định khiến người nông dân yên tâm.
Niên vụ 2022-2023, chị Vũ Thị Huê ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên trồng khoảng 3 ha mía tại khu vực cánh đồng ven sông Đà Rằng. Hiện nay, gia đình chị đang huy động nhân công để thu hoạch mía.
Chị Huê cho biết năng suất mía năm nay của gia đình chị đạt gần 70 tấn/ha, cao hơn những hộ dân lân cận. Tuy nhiên, do trong năm 2022 nhiều mưa nên chữ đường của cây mía không cao, khoảng 9-9,5 CCS nên giá mía đạt khoảng từ hơn 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Trong khi năm trước, mía của gia đình chị đạt từ 9,5-10 CCS nên có giá từ 1,2-1,3 triệu đồng/tấn.
Không chỉ riêng gia đình chị Vũ Thị Huê, tại các cánh đồng của huyện Sơn Hòa, hiện nay, nông dân trồng mía đang tất bật bước vào thu hoạch niên vụ 2022-2023.
Đối với việc chặt và bó mía, nông dân thực hiện bằng phương pháp thủ công nhưng việc chuyên chở thực hiện bằng xe cơ giới.
Ông Ngô Văn On ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, cho biết hiện nay, người nông dân thu hoạch mía đã có xe cơ giới chuyên chở nên rất thuận lợi. Tuy nhiên, do tiền nhân công và phân bón tăng cao nên khi thu hoạch, giá mía phải đạt từ 1,1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/tấn và năng suất đạt từ 60-70 tấn/ha thì người nông dân mới có lãi.
Công đoạn đưa mía lên xe cơ giới chở đi bán cho cho nhà máy đường. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Niên vụ mía 2022-2023, gia đình ông On trồng khoảng gần 2ha mía, thu hoạch được gần 130 tấn mía. Do chữ đường mía thấp với khoảng 9 CCS nên ông On bán mía với giá 920.000 đồng/tấn, trừ các chi phí cho lãi hơn 60 triệu đồng.
Trong những năm qua, nông dân ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân giữ vững và mở rộng diện tích trồng mía từ 22.000-23.000 ha; đồng thời tích cực đầu tư trang thiết bị, liên kết với các nhà máy đường để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hiện, có hai nhà máy mía đường chính hoạt động trên địa bàn tỉnh và có liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía là Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa.
Ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, cho biết những năm qua Công ty đã liên kết với nông dân ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa để đầu tư và thu mua mía nguyên liệu.
Công ty luôn có các chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư trồng mía, thu mua toàn bộ sản phẩm để tránh trường hợp cây mía không có đầu ra. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện các chính sách bảo hiểm về chữ đường (CCS) để nông dân yên tâm về giá cả.
Niên vụ mía 2022-2023, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa có chính sách bảo hiểm nếu mía sau thu hoạch của nông dân đạt 9 CCS.
Nghĩa là trong trường hợp chữ đường bình quân của trọng lượng mía cao hơn chữ đường bảo hiểm là 9 CCS, nông dân sẽ được thanh toán theo chữ đường thực tế. Trường hợp, chữ đường thấp hơn 9 CCS nông dân sẽ được công ty thu mua với giá 9 CCS.
Ngoài ra, phía công ty cũng có những chính sách hỗ trợ tiền trung chuyển, tiền thưởng hoàn thành hợp đồng, tiền khuyến khích sản lượng gia tăng cho nông dân. Hiện, giá mua mía của công ty là 1,2 triệu đồng/tấn mía đạt 10 CCS.
Với giá này, nếu nhiều nông dân có thu nhập cao, ổn định, yên tâm đầu ra cho sản phẩm và hạn chế được rủi ro. Công ty cũng vừa thông báo các chính sách đầu tư, thu mua và bảo hiểm cây mía niên vụ 2023-2024 để người nông dân yên tâm tiếp tục trồng mía.
Nhờ sử dụng xe cơ giới chuyên chở mía nên nông dân thuận lợi khi thu hoạch mía. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam hiện là doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm của người nông dân trồng mía với diện tích gần 19.000 ha và giá thu mua mía là 1,3 triệu đồng/tấn (kể cả các khoản thưởng) đối với mía có chữ đường 10 CCS. Nhờ vậy, dù giá phân bón, nhân công tăng nhưng nông dân trồng mía vẫn có lãi cao, ổn định khi liên kết với công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, niên vụ mía 2022-2023, tỉnh có diện tích 22.335ha.
Hiện, nông dân đã thu hoạch được khoảng 6.200ha, năng suất mía bình quân ước đạt 60 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 1,3 triệu tấn.
Việc liên kết với các công ty mía đường để đầu tư sản xuất, thu mua sản phẩm, bảo hiểm chữ đường đã giúp cho nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên có thu nhập ổn định./.