Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, với tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh khoảng 53.943,12 tỷ đồng.
Quy hoạch đô thị, thực hiện điều chỉnh cần tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ tập trung dân cư kết hợp mô hình nhà ở cao tầng hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng…
Phát triển nhà ở đến năm 2030
Quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể tại Khoản 3 Điều 1, Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 4/11/2021 cua UBND tỉnh. Theo đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 27,0m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 29,0m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn đạt 25,0m2 sàn/người. Diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 5.043.643m2 sàn. Chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030, diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 6.493.353m2 sàn. Chất lượng nhà ở toàn tỉnh, như nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt khoảng 99%, trong đó, đô thị đạt 100%, tại nông thôn 98%.
Điều chỉnh dự báo nhu cầu tại Khoản 4 Điều 1, Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh. Nhu cầu về nhà ở, dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội phát triển thêm khoảng 381.877m2 sàn; nhà ở công vụ phát triển thêm khoảng 2.925m2 sàn; nhà ở tái định cư phát triển thêm khoảng 120.540m2 sàn; nhà ở thương mại phát triển thêm khoảng 2.625.866m2 sàn; còn lại khoảng 1.912.436m2 sàn phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Dự báo đến năm 2030, nhà ở xã hội phát triển thêm khoảng 476.042m2 sàn; nhà ở công vụ phát triển thêm khoảng 1.015m2 sàn; nhà ở tái định cư phát triển thêm khoảng 130.104m2 sàn; nhà ở thương mại phát triển thêm khoảng 3.745.325 m2 sàn; còn lại khoảng 2.140.867m2 sàn phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Nhu cầu về quỹ đất, dự báo đến năm 2025, nhu cầu đất ở tăng thêm khoảng 2.802,04 ha, trong đó quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 212,16ha; quỹ đất phát triển nhà ở công vụ khoảng 1,63ha; quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 66,97ha; quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 1.458,81ha; còn lại khoảng 1.062,47ha phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu đất ở tăng thêm khoảng 3.671,31ha; trong đó, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 328,36 ha; quỹ đất phát triển nhà ở công vụ khoảng 0,56 ha; quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 72,28ha; quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 2.080,74ha; còn lại khoảng 1.189,37ha phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Nhu cầu về vốn, dự báo đến năm 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh khoảng 41.705,43 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 2.675,48 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 20,49 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 966,15 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 22.714,75 tỷ đồng; còn lại khoảng 15.328,56 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh khoảng 53.943,12 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 3.335,21 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 7,11 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 1.042,81 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 32.398,51 tỷ đồng; còn lại khoảng 17.159,49 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Quy hoạch, phát triển quỹ đất
Quyết định cũng điều chỉnh bổ sung một số giải pháp tại Khoản 4 Điều 1, Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 4/11/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, về giải pháp quy hoạch, phát triển quỹ đất. Trong đó, quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhằm đáp ứng phát triển các dự án đô thị, dự án phát triển nhà ở, dự án phát triển nhà xã hội, nhà công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư...
Trong quá trình lập quy hoạch đô thị, thực hiện điều chỉnh, quy hoạch lại, tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ tập trung dân cư kết hợp mô hình nhà ở cao tầng hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng, hoặc có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu dân cư hiện hữu. Tập trung phủ kín quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới; thường xuyên rà soát các quy hoạch được phê duyệt nhưng thời gian thực hiện kéo dài, thiếu khả thi để điều chỉnh hoặc xóa bỏ.
Nâng cao năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thông qua bổ sung quy định về các điều kiện cần đáp ứng của nhà đầu tư bảo đảm chủ đầu tư phải có đủ chức năng, năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở, ưu tiên chủ đầu tư có phương án được đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng, giải pháp quản lý vận hành.
Công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo đó chủ yếu thực hiện thông qua phương thức đấu giá, đấu thầu cho các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Thực hiện quản lý sau đầu tư xây dựng nhà ở, ban hành các quy chế để quản lý cũng như quy định về việc bàn giao, tiếp nhận, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án phát triển nhà ở.
Theo Quyết định, kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở và hoạt động môi giới bất động sản, trong đó có hoạt động môi giới kinh doanh nhà ở của các tổ chức, cá nhân theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và bất động sản.