• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 5:33:56 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp xi măng kỳ vọng "tươi sáng" hơn từ nửa cuối năm 2023
Nguồn tin: Báo Hải quan | 08/02/2023 9:45:00 CH
Đầu tư công được đẩy mạnh, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài được xem là những điều kiện và động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong năm 2023.
 
 
Năm 2022, lợi nhuận của các công ty sản xuất xi măng giảm do chi phí sản xuất tăng. Ảnh: ST
 
2022: Lợi nhuận kém khả quan
 
Theo báo cáo tình hình kinh doanh của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), năm 2022, tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022 và tăng 16,6% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532,3 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5% (tương đương giảm 671,9 tỷ đồng) so với năm 2021. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu, giá than tăng cao. VICEM cho biết, nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của VICEM năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.
 
Bên cạnh đó, các tác động về thị trường xuất khẩu, nhu cầu xi măng sụt giảm, ảnh hưởng của nguồn than có nhiệt trị thấp… cùng những yếu tố khách quan, chủ quan khác đã đẩy Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long - công ty thành viên của VICEM có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nặng và là nhân tố chính đưa VICEM không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Các đơn vị thành viên VICEM phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ vững sản lượng và thị phần, do đó, mức tăng giá thu về chưa đủ bù đắp được ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của các đơn vị thành viên VICEM.
 
Theo báo cáo cập nhật ngành xi măng của Công ty Chứng khoán SSI, trong năm 2022, xuất khẩu xi măng và clinker giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021 với sản lượng xuất khẩu đạt 31,7 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu giảm là do thị trường bất động sản của Trung Quốc trì trệ và chính sách Zero-Covid của nước này. Đây là thị trường chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu của VICEM. Chính vì những khó khăn này, lợi nhuận của các công ty xi măng trong năm 2022 đều giảm. Theo SSI, chi phí sản xuất xi măng tăng đáng kể trong năm 2022 do giá than tăng, nhưng giá xi măng chỉ nhích nhẹ (5-10%) do cạnh tranh gay gắt và tiêu thụ yếu. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất xi măng vẫn ở mức thấp.
 
Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn
 
Sang năm 2023, mặc dù tình hình còn nhiều ảm đạm nhưng các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sẽ có sự tươi sáng hơn trong nửa cuối năm, bao gồm giá nguyên liệu đầu vào giảm, Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép và xi măng toàn cầu phục hồi. SSI dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản vẫn yếu. Một điểm tích cực là kế hoạch đầu tư công năm 2023 ước tính sẽ tăng 25% so với cùng kỳ về giá trị, đóng vai trò là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng trong nước.
 
Theo các chuyên gia, sản lượng tăng sẽ giúp các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy, qua đó giúp tăng biên lợi nhuận góp trong thời gian tới (nhờ giảm chi phí khấu hao/từng sản phẩm). Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2023 khoảng 100-105 triệu tấn (dự kiến tăng 7-10% so với năm 2022); tiêu thụ nội địa khoảng 60-65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35-40 triệu tấn. Với sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu này thì 86 dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước (có tổng công suất đạt 108,54 triệu tấn) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho năm 2023 (cả thị trường nội địa và xuất khẩu).
 
Đại diện Công ty Xi măng Long Sơn dự báo, tình hình kinh doanh năm 2023 còn nhiều khó khăn, nên Công ty xác định mục tiêu là tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì thế, doanh nghiệp này đã triển khai bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền thiết bị nhà máy để vận hành ổn định, tiết kiệm, đồng thời ký kết hợp đồng với nhà phân phối trong nước và nước ngoài...
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý về hoạt động xuất khẩu xi măng trong năm nay, bởi hiện các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker tăng từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu. Hơn nữa, từ tháng 10/2023, các sản phẩm thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (thuế carbon-PV).
 
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, với những quy định này, nếu doanh nghiệp sản xuất xi măng muốn xuất khẩu đến thị trường này, trong sản xuất buộc phải tính đến việc giảm phát thải các bon, hướng đến sản xuất xanh, bền vững. Do đó, các doanh nghiệp xi măng cần nắm bắt diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định; đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.