Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng khẳng định Chính phủ cần có những giải pháp kịp thời để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất dộng sản. Mới đây nhất, sáng ngày 8/2, NHNN và Bộ Xây dựng cũng liên tục họp khẩn về vấn đề tín dụng cho bất động sản. Cũng trong ngày 8/2, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Trao đổi nhanh với chúng tôi về những động thái liên tục tháo gỡ cho thị trường bất động sản gần đây, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group Đoàn Văn Bình cho biết: "Tôi cho rằng cuộc họp của NHNN mới đây thực sự rất tốt trong bối cảnh hiện tại. Bộ Xây dựng họp cùng NHNN và các doanh nghiệp BĐS, tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là thực sự cần thiết".
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh, các biện pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản cần được “tăng tốc” và quyết liệt hơn trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đang cực khó khăn như “nắng hạn chờ mưa rào”.
Chia sẻ riêng với chúng tôi ngay sau khi tham dự cuộc họp của NHNN, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng tín dụng bất động sản là vấn đề cấp thiết, cần phải được tháo gỡ. Ông Châu hy vọng sau cuộc họp này sẽ có những giải pháp hiệu quả ngay, tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, khó khăn phải giải thể hàng loạt.
Bàn thêm về những giải pháp gần đây của Chính phủ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định cần phải có những biện pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường Bất động sản, đặc biệt là vấn đề trái phiếu để tránh tình trạng vỡ nợ hàng loạt, gây khó khăn cho nền kinh tế.
“Thời gian gần đây, doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn vay tiền từ ngân hàng bởi các tài sản đảm bảo bằng bất động sản đang mất giá dần, cùng với đó là nợ xấu bất động sản tồn đọng từ các năm trước. Việc ngân hàng ngần ngại cho vay dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bất động sản khó khăn”, ông Hiếu cho biết.
Vị chuyên gia này chũng khẳng định: “Mặc dù các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn nhưng tôi cho rằng không vì thế mà chúng ta đồng ý với việc hạ chuẩn tín dụng vì rất dễ dẫn đến nợ xấu. NHNN nên xem xét có những gói cho vay phù hợp với từng bất động sản, ví dụ như những gói 30 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội như trước đây nên xem xét thêm”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đặc biệt cảnh báo những vấn đề phát sinh từ trái phiếu bất động sản có thể gây ảnh hưởng xấu cho toàn nền kinh tế: “Chúng ta có 309 nghìn tỷ trái phiếu sắp đến hạn cần trả nợ, trong số đó bất động sản chiếm 1/3. Nếu không tháo gỡ sẽ xảy ra hiện tượng vỡ nợ hàng loạt, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ nên có chương trình hoãn nợ quốc gia”.
Ngoài việc đề xuất những giải pháp khẩn trương của Chính phủ, NHNN vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Quan trọng là nội tại của mỗi doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cần phải tái cấu trúc, phải có sản phẩm hợp lý với thị trường thì mới phát triển được”.
Đồng quan điểm với ông Hiếu, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng khẳng định Chính phủ cần có những giải pháp khẩn trương, kịp thời để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch.
Ông Lực cho rằng vấn đề quan trọng cần phải tháo gỡ được pháp lý cho các dự án, từ đó mới có thể tăng nguồn cung. Về vốn cho BĐS ông Lực cho biết tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 vẫn ở mức 25%. Như vậy, tín dụng không ách tắc nhưng do bị phanh gấp nên các doanh nghiệp bị thiếu vốn. Thêm vào đó, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, từ trái phiếu cũng đứt gãy dẫn đến doanh nghiệp khó khăn.
“Tôi cho rằng NHNN nên chủ động cấp hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm. Chậm nhất là trong tháng 2. Quan trọng hơn nữa là tháo gỡ diểm nghẽn trái phiếu với nghị định 65 để doanh nghiệp có sức khỏe tốt vẫn có thể phát hành trái phiếu. Cùng với đó tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sớm báo cáo về tình trạng thực tại, có giải pháp kịp thời”, ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp bất động sản cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu, có phương án thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ động đàm phán với trái chủ để giãn nợ, thậm chí hoãn đổi trái phiếu sang bất động sản.
Đánh giá về sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản hiện tại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn về vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản lao động, nhà thầu phải dừng thi công…
Theo ông Sinh, thị trường bất động sản khó khăn cũng khiến một số lĩnh vực khác như nguyên vật liệu, trang trí nội ngoại thất bị ảnh hưởng theo. Thêm một khó khăn nữa là xuất phát từ tâm lý khách hàng gặp phải một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin.
Ông Sinh đánh giá, những khó khăn kể trên dù mang tính thời điểm nhưng cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trước thực tế khó khăn của cả doanh nghiệp và khách hàng mua bất động sản trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, ông cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan khơi thông điểm nghẽn về vốn.
Đối với NHNN, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng .