Nhiều lo ngại sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản sẽ như tín hiệu khởi đầu cho cuộc khủng hoảng toàn cầu cách đây 15 năm, giai đoạn 2008-2009. Song, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định, đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Sự kiện này cũng không tác động trực tiếp đến thị trường tài chính và bất động sản ở Việt Nam.
Cuối tuần qua, sự kiện Silicon Valley Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Silicon Valley và lớn thứ 16 ở Mỹ tuyên bố phá sản. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản xảy ra vào thời kỳ Mỹ đang chống lạm phát. Ngân hàng này phá sản xuất phát từ lý do nắm giữ nhiều trái phiếu. Ở thời điểm mua, Silicon Valley Bank đã phải trả giá cao cho những lô trái phiếu.
Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022 và tăng 1 lần cách đây không lâu trong năm 2023. Lãi suất qua đêm hiện tại ở mức 4,5-4,7%. Chính vì lãi suất tăng, giá trái phiếu bị đẩy xuống.
Giá của trái phiếu và lãi suất luôn có tác động tỷ lệ nghịch. Lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và ngược lại. Trong khi đó, Silicon Valley Bank giữ lượng trái phiếu rất lớn. Khi khách hàng của họ cần tiền, ngân hàng này buộc phải bán trái phiếu ra với mức giá rẻ để có tiền giải ngân cho khách hàng. Điều này khiến Silicon Valley Bank thua lỗ. Và chính việc thua lỗ trong mua bán trái phiếu đưa Silicon Valley Bank vào tình trạng mất thanh toán, dẫn tới khủng hoảng.
Ngoài ảnh hưởng từ lãi suất tăng cao, ngân hàng này chủ yếu hỗ trợ cho vay các start up. Trong tình trạng nềnkinh tế chung khó khăn, các doanh nghiệp khởi nghiệp chật vật, cũng trở thành rủi ro lớn cho Silicon Valley Bank. Khi làm ăn thua lỗ, không có khoản thu, Silicon Valley Bank tự vỡ nợ và phá sản.
Ảnh minh hoạ.
Nhiều lo ngại cho rằng, sự kiện phá sản của Silicon Valley Bank sẽ ảnh hưởng thị trường bất động sản Việt Nam?
Chắc chắn tình trạng phá sản của Silicon Valley Bank không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính hay bất động sản Việt Nam. Sự kiện này chỉ tác động đến thị trường chứng khoán và trái phiếu ở Mỹ nhưng cũng không có ảnh hưởng mang tính lan toả.
Tuy nhiên, câu chuyện phá sản của Silicon Valley Bank sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán ở Việt Nam theo hướng gián tiếp.
Đối với thị trường bất động sản, có thể tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Nhưng bản chất, việc một ngân hàng ở Mỹ sẽ không thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Như ông vừa trao đổi thì sự kiện Silicon Valley Bank không giống khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng bắt đầu từ Mỹ năm 2008-2009?
Hoàn toàn khác nhau. Cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 sẽ không lặp lại ở thời điểm này với tác động liên hoàn đến hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á, hay Việt Nam. Sự phá sản của Silicon Valley Bank cũng không đồng nghĩa thị trường tài chính của Mỹ bị sụp đổ và thực tế, nó chỉ tác động một phần nào. Bởi đó là sự kiện đơn lẻ.
Chúng ta không nên lo sợ vì chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông có khuyến nghị gì từ bài học đổ vỡ của Silicon Valley Bank?
Tôi cho rằng, các ngân hàng cần tính toán cân đối khoản cho vay, không tập trung quá nhiều vào nhóm rủi ro cao, như start up hay doanh nghiệp bất động sản.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!