• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,89 -14,15/-1,14%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,89   -14,15/-1,14%  |   HNX-INDEX   223,82   -2,39/-1,06%  |   UPCOM-INDEX   91,87   -0,48/-0,52%  |   VN30   1.286,65   -17,39/-1,33%  |   HNX30   476,60   -8,05/-1,66%
15 Tháng Mười Một 2024 5:55:32 SA - Mở cửa
Đồng Nai: Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tự chủ sản xuất
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 16/03/2023 7:55:00 SA
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và đưa sản phẩm hàng hóa của mình vươn ra thị trường thế giới, nên phát triển CNHT cũng là con đường để tự chủ sản xuất, xây dựng thương hiệu quốc gia.
 
 
Hỗ trợ kết nối khách hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng là điều doanh nghiệp rất cần. Trong ảnh: Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh kết nối với đối tác Nhật Bản. Ảnh: V.GIA
 
Hiện nay, Đồng Nai là một trong 3 trung tâm có ngành CNHT lớn nhất của Việt Nam. Trong cơ cấu xuất khẩu của Đồng Nai, hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc về CNHT.
 
Vẫn đối mặt nhiều khó khăn
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành CNHT Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. DN không có lợi thế về vốn, công nghệ và đang ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị. Cụ thể, chuỗi giá trị do nhà sản xuất chi phối như ô tô, điện tử đã không thành công trong phát triển CNHT, còn với chuỗi giá trị do người mua chi phối như dệt may, da giày thì Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh chi phí lao động, dịch vụ cao…
 
Theo bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty CP NC Network Việt Nam (đơn vị chuyên kết nối các DN ngành CNHT) thì khó khăn phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu... Qua khảo sát của NC Network, Việt Nam chưa có một hãng sản xuất máy hoàn chỉnh, DN sử dụng máy cũ nhập từ nước ngoài, cũng có DN đầu tư máy mới nhưng không phải tất cả đều làm được. “DN ngành CNHT dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu các đơn vị hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như: khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn dễ tiếp cận các nguồn vốn, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để DN không phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển” - bà Hạnh chia sẻ.
 
DN trực tiếp sản xuất các thiết bị cho các tập đoàn lớn trên thế giới, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (TP.HCM) Nguyễn Văn Trí cho biết, không dễ dàng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề là các đối tác luôn yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi phải có nhà máy, thiết bị đạt chuẩn và giá phải cạnh tranh. DN luôn phải nỗ lực để có những giải pháp tối ưu từ việc đầu tư máy móc, nhà máy đạt chuẩn cho đến đào tạo nhân sự... Trong đó, khó khăn nhất là việc “chảy máu chất xám” khi nhân sự trong ngành cơ khí rất dễ nhảy việc, dịch chuyển sang khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các DN nội ngành cơ khí mất rất nhiều thời gian để đào tạo.
 
Tại Đồng Nai, từ hơn 10 năm trước đã ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT nên đón được nhiều DN nước ngoài. Bên cạnh đó, DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực này tăng dần và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các DN trong nước chủ yếu gia công hoặc làm những sản phẩm đơn giản.
 
Hợp tác để phát triển CNHT
 
Phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu song đây là vấn đề rất khó khăn, không chỉ một mình cộng đồng DN hay riêng địa phương nào có thể thực hiện thành công. Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, khu vực Đông Nam bộ có nhiều điều kiện để phát triển CNHT trong tương lai, điều đó đòi hỏi các địa phương phải liên kết, hỗ trợ nhau phát triển. Đồng thời, các DN CNHT có vốn đầu tư trong nước đa số có quy mô nhỏ và vừa nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, giao thương…
 
 
Hỗ trợ kết nối khách hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng là điều doanh nghiệp rất cần. Trong ảnh: Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh kết nối với đối tác Nhật Bản
 
Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) Bùi Vĩnh Nhật cho hay, Nhật Gia có đội ngũ nhân lực được tu nghiệp ở nước ngoài có chất lượng cao trong ngành cơ khí, chế tạo song sản phẩm làm ra vẫn đang gặp khó khăn về thị trường. Trước sự cạnh tranh gay gắt với nhà cung ứng ngoại, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ DN trong nước. Trong đó, việc xây dựng các cơ quan làm đầu mối, tổ chức hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với DN sản xuất rất quan trọng.
 
Theo đó, các địa phương trong vùng sẽ hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xây dựng nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam. Cụ thể là sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức các hội nghị liên kết vùng trong định hướng phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và CNHT... Các bên cũng phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp; liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.
 
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, xây dựng ngành công nghiệp tự chủ là khát vọng lớn ở tầm quốc gia và các địa phương cần nỗ lực, hợp tác cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ chung.
 
Đối với Đồng Nai, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, CNHT chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tìm cách tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau, phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo.
 
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Đồng Nai) Nguyễn Hoàng Quyên cho biết: “Đồng Nai sẽ thường xuyên phối hợp với Cục Công nghiệp cùng các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi thông tin, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý, kịp thời để thúc đẩy DN CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển”.