Hàng loạt vụ hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương xảy ra trong thời gian qua vì nhà đầu tư “bỏ cọc chạy lấy người”. Thị trường ảm đạm, thanh khoản nhỏ giọt cũng
khiến số người mắc kẹt vì “ôm” đất đấu giá ngày càng nhiều.
Chỉ hơn 1 năm trước, tại hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình
Định, Quảng Nam… nhà đầu tư đến tấp nập, trả giá cao gấp đôi gấp ba, thậm chí hàng chục lần so với giá khởi điểm. Nhưng đến nay, tình cảnh đã hoàn toàn trái ngược.
Đất đấu giá ế ẩm
Trung tuần tháng 3 vừa qua, chỉ trong một ngày (17/3), UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 11 lô đất ở tại thôn Nông Sơn 2 và thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước, bởi người mua chậm hoặc không nộp tiền.
Cùng thời điểm, UBND tỉnh Bình Định có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá hai lô đất, một tại thị xã Hoài Nhơn và một tại TP. Quy Nhơn, vì người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá và các khoản nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.
Đất đấu giá sau thời nhảy múa nay nhiều khu vực rơi vào ảm đạm (Ảnh minh họa: HN).
Không chỉ hiện tượng bỏ cọc ngày càng phổ biến, các phiên đấu giá tại nhiều địa phương cũng đang rơi vào tình cảnh “ế ẩm”. Điển hình, phiên đấu giá đất tại TP. Bắc Giang diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô đất (chiếm 40,81% số lượng) không có khách hàng trả giá.
Trong những lô được trả giá, lô có giá trúng cao nhất diện tích hơn 141m2, trị giá gần 3,4 tỷ đồng, chỉ tăng so với giá khởi điểm hơn 300 triệu đồng. Còn lại, hầu hết các lô có giá trúng dao động từ 1,1 - 1,3 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.
Trước đó, ngày 26/2, tại phiên đấu giá đất khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng), cũng có 24 lô (chiếm 66,6% tổng số lô) không có khách hàng trả giá.
Cần nhắc lại, Bắc Giang với loạt lợi thế về phát triển kinh tế từng là điểm nóng về hoạt động mua bán bất động sản, sốt ảo bùng lên ở nhiều nơi, các đợt đấu giá theo đó cũng thu hút hàng nghìn người tham gia.
Đơn cử, ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, vào cuối năm 2021, khi các phiên đấu giá khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu diễn ra, dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5 nghìn hồ sơ tham gia. Giá bình quân gấp 2-5 lần mức khởi điểm.
Nhà đầu tư “mắc kẹt”
Tuy nhiên, sau thời nhảy múa, thị trường nhà đất Bắc Giang hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt với đất đấu giá. Như trường hợp của anh Hoàng Đình Tùng (TP Bắc Giang) đang mòn mỏi chờ thoát hàng, thu hồi vốn từ lô đất trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng.
Anh Tùng chia chia sẻ, vào cuối năm 2021, giá đất nền ở Bắc Giang vô cùng sôi động, giá đất lên từng ngày nên các phiên đấu giá đông nghẹt người, quá nửa là nhà đầu tư lướt sóng. Sau đấu giá, nhiều người sang tay ngay ăn chênh cả trăm triệu đồng.
Đầu tháng 11/2022, được sự giới thiệu của bạn, lại có sẵn 2,5 tỷ đồng trong tay, anh Tùng quyết định “đánh liều” tham gia một phiên đấu giá và thực hiện trót lọt vụ lướt sóng đầu tiên khi sang tay thành công lô đất đấu giá hơn 2,3 tỷ đồng, lời 80 triệu đồng chỉ trong 1 tuần rao bán lại.
“Thấy ngon ăn, tôi quyết định vay thêm tiền để lướt sóng đất đấu giá. Nhưng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, phi vụ thứ hai trở thành cơn ác mộng. Lô đất hiện tại trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng, cũng từng có người trả hơn 5 tỷ đồng mà tôi không đồng ý, giờ muốn bán hòa vốn cũng khó”, anh Tùng thổ lộ.
Các cuộc thăm dò cho thấy hiện tượng nhà đầu tư lướt sóng “mắc cạn” vì đất đấu giá không hiếm. Thời gian qua, các ngân hàng thắt chặt việc cấp tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Vì vậy, đất đấu giá hiện rơi vào cảnh trầm lắng chung của thị trường.
Tình trạng bỏ cọc sau đấu giá cũng diễn ra phổ biến gần đây do thị trường mất thanh khoản, cơ hội lướt sóng kiếm lời không còn, nên các nhà đầu tư, đầu cơ không còn mặn mà tham gia.
Đấu giá ế ẩm khiến nhiều địa phương buộc phải giảm giá khởi điểm. Đơn cử, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt điều chỉnh đơn giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 16 lô đất ở tại Khu đô thị mới Long Vân, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn (đợt 1, năm 2023).
So sánh với đơn giá khởi điểm đã được phê duyệt trước đó vào năm 2022 thì đơn giá khởi điểm hiện tại của 8 lô đất ở thương mại tại khu đô thị mới Long Vân được điều chỉnh giảm từ 32,4 triệu đồng/m2 xuống còn 29,16 triệu đồng/m2, tương đương mức giảm khoảng 3,24 triệu đồng/m2.
Ở góc nhìn nhà đầu tư, anh Quân (TP. Quy Nhơn) cho rằng việc điều chỉnh mức giá khởi điểm sẽ giúp cho nhiều người có nhu cầu ở thực mạnh dạn tham gia vào các cuộc đấu giá, đồng thời cũng hạn chế đi tình trạng đầu cơ lướt sóng, “bỏ cọc” tháo chạy.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, để nâng cao hiệu quả đấu giá đất, cần nhanh chóng hoàn thiện pháp lý, ngăn chặn hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ". Bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp đặt cọc đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng đầu cơ, “thổi giá”.