Nam Định là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn còn thiếu tính liên kết sản phẩm du lịch đặc thù địa phương.
Từ văn hóa ẩm thực...
Văn hóa ẩm thực có vai trò quan trọng, góp phần làm tăng hiệu quả, tạo nên thành công cho hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Nam Định. Được biết, thời gian qua tỉnh Nam Định đã có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Ngày của Phở lần thứ 6. Tại các sự kiện này, tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch với những giá trị, tinh hoa văn hóa truyền thống của đất và người quê hương Nam Định đến du khách, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Văn hóa ẩm thực Nam Định phong phú, đa dạng với đủ các món ăn mang nét đặc trưng và mang bản sắc vùng miền. Ở những vùng quê biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, đặc sản ẩm thực có: rượu, muối, nước mắm, nem nắm, cá chạch kho niêu, gỏi nhệch...
Chính sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Nam Định mà nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức đặc sản trở thành tiêu chí hàng đầu để du khách chọn lựa khi khám phá và trải nghiệm du lịch ở Nam Định. Không chỉ thưởng thức vị ngon, hương vị độc đáo của từng món ăn, mà câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, nâng cao sự thú vị cho mỗi chuyến tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch của du khách.
Ngoài những thông tin được khách du lịch quan tâm như: khách sạn, nhà hàng, điểm đến du lịch, cảnh quan nông thôn, các phương tiện vận chuyển, điều kiện giao thông thì vấn đề ăn uống cũng đặc biệt quan trọng.
Năm 2022, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu tại Nam Định. Chương trình thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 với mục đích giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch Việt Nam.
Trong chuỗi các hoạt động của hành trình tại Nam Định có chương trình tìm hiểu lịch sử văn hóa ẩm thực trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thông qua các hoạt động giao lưu với các nghệ nhân ẩm thực, quảng bá một số món ăn; tham quan, trải nghiệm cách thức làm cỗ, dâng cỗ và thi cỗ tại Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực).
Sự kiện này là tiền đề để Nam Định đăng cai tổ chức thành công chuỗi sự kiện ẩm thực Ngày của Phở lần thứ 6 trong tháng 12/2022 với hàng loạt các hoạt động: trải nghiệm chế biến và thưởng thức phở; tour thăm làng phở cổ trăm năm - làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực); hội thảo “Phở hội tụ”; thi viết, kể chuyện về phở; cuộc thi chung kết “Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022”.
Theo thống kê, trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến các điểm du lịch văn hoá, tâm linh tỉnh Nam Định đạt khoảng 1.036.000 lượt người, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2021
Tất cả những gì Nam Định đang làm đều tạo ấn tượng rất tốt cho du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây, đây cũng là tiền đề để Nam Định phát triển du lịch trong thời gian tới.
...đến đẩy mạnh việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH TT và DL): Nam Định được đánh giá giàu tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch: văn hoá - tâm linh, tham quan, nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng - tắm biển, trải nghiệm làng quê nông thôn, làng nghề... với hàng chục khu, điểm du lịch quy mô lớn nhỏ.
Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, Nam Định chủ trương xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và tuyến liên tỉnh trên cơ sở gắn kết giữa các khu, điểm du lịch. Theo đó, tuyến du lịch nội tỉnh sẽ có 4 tuyến hướng du khách tới các hoạt động du lịch lễ hội, tham quan các di tích cách mạng, các công trình tôn giáo, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ mát.
Trong đó, các tuyến du lịch nối Thành phố Nam Định với trung tâm các vùng du lịch Hà Nội - Thành phố Hải Phòng - tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt bởi từ các trung tâm này các tuyến du lịch này sẽ được nối thành tour đi các tỉnh trong cả nước và quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thùy Linh – Đại diện Công ty tour Du lịch Liên minh Xanh cho biết: Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, Nam Định cần mở những chuyến tour du lịch chuyên đề đường biển, đường sông và tuyến sinh thái… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù của các điểm du lịch, qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn du khách…
Được biết, hiện nay các sản phẩm du lịch của Nam Định cũng dần hình thành; trong đó các chương trình du lịch gắn với lễ hội đã dần đi vào nề nếp như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy… đã tạo nên nét độc đáo của sản phẩm du lịch văn hoá ngày càng thu hút nhiều du khách. Các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm với những cố gắng trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giữ gìn cảnh quan môi trường đã trở thành điểm du lịch biển được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ mát, tắm biển.
Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy)... Các khu du lịch biển của Nam Định còn có thể kết nối với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hình thành nên các tour du lịch tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khu vực bãi biển Rạng Đông cũng đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển nằm trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ.
Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn
Trong đó, địa phương cũng đã hình thành các tuyến du lịch dựa trên chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh ta với các tỉnh: Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình… đã hình thành và phát triển. Các tuyến du lịch về văn hoá, sinh thái bước đầu hình thành thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê, trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến các điểm du lịch văn hoá, tâm linh tỉnh Nam Định đạt khoảng 1.036.000 lượt người, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh Nam Định đạt 330 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ. Riêng trong quý I/2023 năm 2023, lượng khách tại các tỉnh, thành phố lân cận đến với các điểm tâm linh như: Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), khu di tích đền Trần (TP Nam Định) để tham quan, chiêm bái và cầu may mắn, bình an tăng đột biến.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức liên kết giữa các khu, điểm du lịch của tỉnh và giữa các khu, điểm du lịch của tỉnh với tỉnh bạn vẫn còn nhiều khó khăn. Các khu, điểm du lịch của tỉnh hoạt động còn đơn điệu, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí nên không hấp dẫn khách; khó thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa vào chương trình du lịch, thành các điểm đến hấp dẫn. Các doanh nghiệp lữ hành tỉnh ngoài đưa đón khách vào tỉnh mới chỉ chú ý đến một số khu, cụm du lịch nổi tiếng.
Trong khi đó, gần 20 doanh nghiệp lữ hành tỉnh chỉ quan tâm đưa khách trong tỉnh đi du lịch tỉnh ngoài, chưa tổ chức được các tour du lịch nội tỉnh. Ngành Du lịch tỉnh vẫn thiếu sự liên kết với Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch, phân phối khách du lịch toàn miền Bắc.
Để khai thác thế mạnh các khu, điểm du lịch, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin, đại chúng, nhất là hệ thống internet về tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh, các điểm đến hấp dẫn. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch có tiềm năng thực sự nổi trội tạo ấn tượng với du khách; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour, chương trình du lịch có liên kết các khu, điểm du lịch trong tỉnh, giữa các khu, điểm du lịch tỉnh ta với tỉnh bạn.
Được biết, để phát triển ngành du lịch địa phương theo hướng bền vững, lâu dài, ngành văn hoá thể thao du lịch tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch mang tính đặc trưng vùng; xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh phù hợp vừa tôn vinh, bảo tồn di sản vừa tạo sức hấp dẫn cho du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, địa phương cần phát huy thế mạnh theo từng vùng, miền để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nhằm hấp dẫn khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của họ…, đưa du lịch ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.