Cùng với việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, chiều 27/4, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản yêu cầu các thủy điện này vận hành theo đúng quy trình.
Yêu cầu mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (quy trình 1865).
Tuyến đập nhà máy thủy điện A Vương (Ảnh: Minh Lương).
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà máy thủy điện A Vương từ ngày 28/4 – 29/4 dừng vận hành; từ ngày 30/4 – 2/5 mỗi ngày vận hành liên tục không lớn hơn 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 15 m3/s; từ ngày 3/5 - 10/5 dừng vận hành.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 từ ngày 28/4 – 10/5 dừng vận hành.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 từ ngày 28/4 - 10/5 mỗi ngày vận hành liên tục không lớn hơn 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 25 m3/s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 từ ngày 28/4 - 10/5 mỗi ngày vận hành liên tục không lớn hơn 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 27 m3 /s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ thủy điện nêu trên nghiêm túc thực hiện, đồng thời giao các Sở NN&PTNT, TN&MT, Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, giám sát, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh (nếu có) thuộc thẩm quyền.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, thời điểm 7h ngày 27/4, mực nước hồ thuỷ điện A Vương ở mức 359,66m, trong khi theo quy trình 1865, mực nước nằm trong vùng đảm bảo từ ngày 21/4 đến 30/4 là 368,5 – 371,3m, tức giảm 8,84 – 11,64m cột nước, tương ứng với giảm 63,23 – 85,22 triệu m3 nước so với dung tích quy định.
Cùng thời gian này, mực nước hồ Sông Bung 4 ở mức 213,2m, tức giảm 3,1 – 4,7m cột nước so với mực nước nằm trong vùng đảm bảo từ ngày 21/4 đến 30/4 là 216,3 – 217,9m. Như vậy, hiện tại dung tích của hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 4 đã giảm 42,19 - 65,36 triệu m3 so với dung tích vùng đảm bảo quy định trong quy trình liên hồ.
Phải tuân thủ quy trình của Thủ tướng
Cũng theo TS Lê Hùng, trong 2 ngày vừa qua, tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ (nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho TP Đà Nẵng), mực nước thô ở tầng sâu đã có thời điểm lên đến 1.000 mg/l và mực nước thô ở tầng mặt cũng có thời điểm vượt 300 mg/l, do đó độ mặn nước sạch ra mạng lưới cũng đã có nhiều thời điểm vượt quá 200mg/l (theo quy định của Bộ Y tế, độ mặn cho phép trong nước sinh hoạt, ăn uống ở khu vực bình thường là 250mg/l trở xuống là an toàn; riêng khu vực ven biển và hải đảo là 300mg/l trở xuống).
Hiện tại, với dung tích hồ còn lại của hồ thuỷ điện A Vương và hồ Sông Bung 4 lần lượt là 107,07 triệu m3 và 99,14 triệu m3 thì chắc chắn độ mặn sẽ tiếp tục gia tăng tại Cầu Đỏ trong thời gian tới và vụ hè thu sắp đến sẽ rất khó khăn về nguồn nước cho người dân Quảng Nam – Đà Nẵng khi các hồ chứa hiện tại thiếu hụt quá lớn so với quy định. “Dựa trên cơ sở nào mà các hồ thủy điện này để mực nước tụt quá sâu so với quy trình 1865 như vậy?”, TS Lê Hùng chất vấn.
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng thì hồ chứa thủy điện Sông Bung “ngoài việc vận hành theo các quy định trong quy trình liên hồ còn phải chịu sự điều tiết của hệ thống điện, phải đáp ứng nhiều các ràng buộc của hệ thống điện nên công tác vận hành cấp ước hạ du gặp nhiều khó khăn”.
Tuy nhiên, TS Lê Hùng không đồng tình với giải trình này. Theo ông, quy trình liên hồ 1865/QĐ-Ttg do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên và tiên quyết mà các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải chấp hành, không thể vin vào việc vận hành phát điện theo huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) mà phớt lờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
“A0 huy động các nguồn điện theo quy định của Bộ Công Thương về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tức anh nào chào giá thấp thì họ huy động. Các thủy điện phải căn cứ quy trình 1865 của Thủ tướng Chính phủ khi đăng ký bán điện cho A0.
Việc có những thủy điện như A Vương gần 1 tháng qua gần như vận hành liên tục với công suất tối đa mà không ưu tiên dành nước phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đến cuối mùa cạn sẽ gây nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng hạ du mùa khô hạn năm nay”, TS Lê Hùng nói.